Quang cảnh buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh.
Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh đã báo cáo tình hình chấp hành pháp luật đối với các lĩnh vực mà đoàn khảo sát của Quốc hội quan tâm. Trong đó khẳng định, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thông qua ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án, công điện…
Lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo tại buổi làm việc.
Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhìn chung các cơ quan tư pháp của tỉnh đã hoàn vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần đổi mới, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực với nhiều giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không có vùng cấm; lựa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác PCTN, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.
Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Các cấp, ngành trong tỉnh cũng tăng cường triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Từ ngày 1-10-2021 đến 31-7-2022, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã triển khai 403 cuộc thanh tra hành chính, 667 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Từ thực tiễn công tác, các cơ quan tư pháp của tỉnh kiến nghị Quốc hội sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác giám định, định giá trong tố tụng hình sự; bổ sung các quy định pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Quy định rõ chế độ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức giám định, giám định viên; xây dựng đầy đủ, cụ thể quy trình, quy chuẩn giám định tư pháp, tập trung đầu tư cho lĩnh vực giám định tài chính - ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tạm giữ, tạm giam; tăng cường đầu tư, xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tăng cường đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, dùng nhục hình…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Chia sẻ đặc thù của một tỉnh đất rộng, người đông và có nhiều yếu tố khó khăn, phức tạp chi phối đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các thành viên Đoàn khảo sát đã đặt câu hỏi nắm bắt thêm thông tin từ thực tiễn triển khai các quy định pháp luật cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhằm phục vụ quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Thành viên Đoàn khảo sát đặt câu hỏi tại buổi làm việc.
Thành viên Đoàn khảo sát đặt câu hỏi về các vấn đề trong công tác thanh tra.
Nhiều thành viên đã quan tâm đặt câu hỏi về các vấn đề triển khai các quy định về kê khai thu nhập trong PCTN; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong một số vụ án; chất lượng kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; vấn đề hòa giải đối thoại tại tòa án; việc thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành…
Các thành viên Đoàn khảo sát cũng trao đổi thêm kinh nghiệm để các cơ quan tư pháp của tỉnh giải quyết một số vướng mắc, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự Thanh Hóa phát biểu làm rõ vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh báo cáo làm rõ một số vấn đề mà Đoàn công tác đặt câu hỏi.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin khai quát, nêu bật một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Đồng chí khẳng định, trong thành công đó có vai trò đóng góp rất lớn của các cơ quan trong khối nội chính của tỉnh và sự quan tâm của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí nhấn mạnh quan điểm của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là không có vùng cấm và không bỏ lọt tội phạm, không làm oan, sai.
Đồng chí cũng nghiêm túc tiếp thu để phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án mà các thành viên Đoàn khảo sát đã chỉ ra. Đồng thời bày tỏ mong muốn các kiến nghị từ các cơ quan tư pháp của tỉnh đã nêu sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp, chuyến đến các các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành Trung ương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa chân thành cảm ơn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn tiến hành khảo sát thực tế tại một số đơn vị, địa phương trong tỉnh đạt kết quả cao. Đồng thời bảy tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt. Thông qua chuyến khảo sát Đoàn đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị đến các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án...