Đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên thành kính dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên thành kính dâng hoa, dâng hương lên tượng đài trung tâm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Những vòng hoa tươi thắm cùng nén hương thơm được dâng lên tượng đài trung tâm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thể hiện niềm biết ơn vô hạn trước anh linh những người con ưu tú của Tổ quốc đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương ngã xuống để giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đoàn Báo Thanh Hóa dâng hương lên các phần mộ liệt sĩ là những người con của quê hương Thanh Hóa đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Sau nghi lễ dâng hoa, dâng hương tại tượng đài trung tâm, các đại biểu đã tỏa ra các khu mộ thắp những nén nhang thơm, ấm áp lên các phần mộ liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh; cách thành phố Đông Hà khoảng 38 km về phía Tây Bắc; cách Quốc lộ 1 (đoạn thị trấn huyện Gio Linh) chừng hơn 20 km về phía Tây Bắc.
Khu mộ các liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bản tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24-10-1975 và hoàn thành vào ngày 10-4-1977.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ hơn 10.333 phân mộ của các liệt sĩ. Trong đó có trên 1.000 Anh hùng liệt sĩ là con em quê hương Thanh Hóa đã không tiếc thân mình anh dũng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đây là công trình “đền ơn đáp nghĩa” đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta.
Các đại biểu nghe thuyết minh tại Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất.
Trong không khí hào hùng của những ngày Tháng Tư lịch sử, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ giới tuyến, các đại biểu đã tham quan, tìm hiểu Nhà trưng bày; đồn công an giới tuyến; cầu Hiền Lương lịch sử; hệ thống dàn loa phóng thanh, nhà liên hợp; cột cờ giới tuyến, cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam và lắng nghe những câu chuyện bi tráng, oanh liệt của dân tộc ta trong hơn 20 năm đằng đẵng đấu tranh thống nhất đất nước.
Các đại biểu nghe thuyết minh những câu chuyện bi tráng, oanh liệt của dân tộc ta.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải không chỉ là nơi từng phải oằn mình gánh chịu bom đạn ác liệt của Mỹ - Ngụy, mà còn là nhân chứng lịch sử mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Ngày nay, khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt; là biểu tượng cho ý chí và khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Cột cờ giới tuyến.
Khu vực Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải là tên gọi cho cụm di tích nằm tập trung hai bên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Cụm di tích này nằm ở điểm giao nhau giữa sông Hiền Lương và Quốc lộ 1 (cũ) trên diện tích gần 9 ha. Trong đó. bờ Nam thuộc thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, huyện Gio Linh; bờ Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (ngày 20-7-1954), vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời. Sau hai năm, hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Chòi canh gác của quân Mỹ bên bờ Nam Hiền Lương - Bến Hải.
Nhưng sự thật lịch sử đã không diễn ra đúng như vậy. Mỹ và chính quyền Sài Gòn âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đi ngược lại nguyện vọng, độc lập thông nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân Việt Nam. Từ chỗ là giới tuyển quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành nỗi đau chia cắt đất nước suốt 20 năm.
Hôm nay, đến với Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, du khách sẽ được nhắc nhớ về một thời kỳ đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất đỗi tự hào của quân dân ta nơi đầu cầu giới tuyến trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt; được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình mang tính tôn vinh từng vang danh trong lịch sử như: Cầu Hiền Lương, Kỳ đài bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, Giàn loa phóng thanh, Tượng đài Khát vọng thống ở bờ Nam sông Hiền Lương.