Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý tại tổ.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi). Các đại biểu cũng thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo luật như: Quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giá; tiêu chí xác định hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và danh mục hàng hoá cụ thể; sự cần thiết duy trì quỹ bình ổn giá và quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc điều chỉnh quy định đăng ký hành nghề thẩm định giá…
ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý vào Dự án Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị dự án luật cần quy định trước bao nhiêu ngày đấu thầu và bên dự thầu phải có trách nhiệm thực hiện đảm bảo dự thầu để có sự thống nhất chung. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu quy định những gói thầu nào và điều kiện, tiêu chuẩn nào thì cần lựa chọn nhà thầu quốc tế.
Về chỉ định thầu được quy định tại Điều 21, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên xem xét để quy định thầu đối với nhà đầu tư thuộc dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cũng nên đưa vào quy định trong chỉ định thầu thực tế những gói thầu nhỏ, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ…
ĐBQH Cao Mạnh Linh phát biểu tại tổ.
Góp ý vào Dự án Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Cao Mạnh Linh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu xem xét, quyết định bình ổn giá theo hướng chi tiết, cụ thể hơn. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo văn bản tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định về các biện pháp bình ổn giá quy định tại Khoản 3, Điều 20 để bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức nhằm tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt trong bình ổn giá.
Về nội dung hiệp thương giá, đại biểu Cao Mạnh Linh đề nghị cần đảm bảo công khai, minh bạch, khả thi trong thực hiện, tránh cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật. Bên cạnh đó, ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý nội dung về dịch vụ thẩm định giá…
Góp ý vào Dự án Luật Đấu thầu (sữa đổi), các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, từ yêu cầu thực tiễn, luật cần làm rõ các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; chính sách đấu thầu nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu; đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; quy định về ưu tiên, ưu đãi cho nhà thầu có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế...
ĐBQH Trần Văn Thức phát biểu tại tổ.
Góp ý vào Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể bảo đảm thực hiện hợp đồng, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp nhà thầu chính ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một số công việc của gói thầu. Đề nghị làm rõ khái niệm “tiến độ hợp đồng” và “tiến độ thực hiện hợp đồng”.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định về trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng đảm bảo thống nhất với quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 143 Luật Xây dựng: “Khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép”…