Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật như: Chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác; quy định về nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác; quy định việc phân loại hợp tác…
Góp ý vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Hợp tác xã sửa đổi” vì trên thực tế hiện nay tên gọi Luật Hợp tác xã đã đi vào cuộc sống, đi vào tâm thức của người dân từ hơn 25 năm qua. Do đó, việc mở rộng phạm vi, đối tượng, điều chỉnh của luật thì cũng không cần thiết phải đổi tên luật.
ĐBQH Lại Thế Nguyên cũng đề nghị ban soạn thảo nên cân nhắc giải thích cụm từ “bản sao” tại Khoản 1, Điều 4 cho thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tránh cùng một nội dung, khái niệm dẫn tới việc chồng chéo trong ban hành các văn bản luật.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐQBH tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại tổ.
Tại Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật có quy định các hành vi cấm đối với cơ quan Nhà nước, trong đó có quy định là các cơ quan Nhà nước không được “cản trở”, “sách nhiễu” việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác. Cũng tại Điểm d, Khoản 1 quy định cấm cơ quan Nhà nước phân biệt đối xử gây chậm trễ, phiền hà “cản trở” “sách nhiễu” đối với tổ chức kinh tế hợp tác, có nội dung trùng lặp đó là “cản trở”, “sách nhiễu”. Do đó, đề nghị nên viết lại 2 điểm này cho gọn, tránh trùng lặp và logic hơn.
Về tổ chức kinh tế hợp tác được thực hiện mục tiêu hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm… tại Khoản 1, Điều 9, ĐBQH Lại Thế Nguyên cho biết đoạn này chưa rõ, chưa thoát ý, đề nghị sữa lại là: Tổ chức kinh tế hợp tác là tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
ĐBQH Lại Thế Nguyên cho rằng dự thảo luật đã liệt kê 13 nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác, song việc liệt kê như vậy là chưa đủ, đề nghị nên nghiên cứu cách viết khái quát hơn, không chia nhỏ các nghĩa vụ này vì quá chi tiết, lại không đầy đủ.
Về căn cứ vào số lượng thành viên chính thức, ĐBQH Lại Thế Nguyên đề nghị việc phân loại hợp tác xã theo 3 tiêu chí, đó là số lượng thành viên, tổng số vốn và doanh nghiệp, nguồn vốn và doanh thu.
ĐBQH Lại Thế Nguyên đồng tình cần có các chính sách để hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, đối với nội dung các chính sách này đề nghị cần phải cân nhắc cho phù hợp với các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và cũng phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 16 của luật này, đó là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Tham gia góp ý vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa băn khoăn về quy định đối với Liên đoàn Hợp tác xã, và đề nghị nên thí điểm thành lập một số liên đoàn vùng, tỉnh, sau đó đánh giá tổng kết thực tiễn, nếu thấy phù hợp thì bổ sung sau.
Liên quan đến phân loại hợp tác xã, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng nên phân loại căn cứ vào quy mô hoạt động và phân loại theo loại hình hợp tác xã nông nghiệp và loại hình hợp tác xã phi nông nghiệp .
Tổ hợp tác thì không phải là pháp nhân, nhưng cũng là một thành phần trong các tổ chức kinh tế, vì vậy nên quy định các thành viên sáng lập đối với tổ hợp tác. Đề nghị cần phải nghiên cứu để làm sao quy định nhiệm kỳ của ban kiểm soát, kiểm sát viên phù hợp với nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị được quy định tại Khoản 2, Điều 52 dự thảo Luật tối thiểu là 2 năm, tối đa là 5 năm…
Cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng thủ dân sự, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ hoặc quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật khi xây dựng các công trình phòng thủ dân sự nhằm bảo đảm an toàn cho công trình khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Đồng thời, quy định chi tiết về nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Quỹ phòng thủ dân sự; bổ sung thêm hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự trong Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm…