Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các đại biểu đã thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết như: Về loại biển xe ô tô đưa ra đấu giá; về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; về mức giá khởi điểm…
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến tại tổ.
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng tên của Dự thảo Nghị quyết hơi dài, dẫn tới người dân tiếp cận khó hiểu, khó nhớ, nên đề nghị tên của Nghị quyết nên sửa lại là: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe”, như vậy vừa ngắn gọn, dễ hiểu và cũng thể hiện đúng bản chất của Nghị quyết.
Về loại biển xe ô tô đưa ra đấu giá theo quy định tại Điều 2, Khoản 1 của Dự thảo Nghị quyết chỉ đấu giá biển nền màu trắng, chữ đen mà không đấu giá những loại xe biển màu vàng chữ đen, ĐBQH Lại Thế Nguyên đề nghị nên mở rộng thí điểm đấu giá cả loại biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (tức là xe ô tô kinh doanh vận tải) vì trên thực tế thì các doanh nghiệp hoặc các cá nhân kinh doanh họ đều có cùng nhu cầu này.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, ĐBQH Lại Thế Nguyên cho rằng biển số xe ô tô sau khi trúng đấu giá cũng là loại tài sản, song Dự thảo Nghị quyết lại hạn chế quyền của người trúng đấu giá trong việc không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế… là chưa thỏa đáng, vì vậy đề nghị cần cho phép các quyền này trong Dự thảo Nghị quyết.
Đối với mức giá khởi điểm tại Điều 5 của Dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Lại Thế Nguyên cho rằng việc đưa ra 2 mức giá khởi điểm 40 triệu đồng đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 20 triệu đồng đối với các tỉnh, thành còn lại là chưa thỏa đáng. Do đó, đề nghị nên đưa ra một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng để áp dụng trong cả nước.
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý kiến tại tổ.
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần nghiên cứu quy định về đối tượng áp dụng của Dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo tính khách quan.
Trong khi đó, Dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ cơ quan tổ chức đấu giá, vì vậy đề nghị đối tượng áp dụng đấu giá phải quy định chặt chẽ và nên quy định có thể công an tỉnh hoặc công an huyện vẫn có thể là cơ quan đứng ra để tổ chức đấu giá. Bên cạnh hình thức đấu giá trực tuyến như quy định có thể đấu giá trực tiếp để những vùng sâu, vùng xa, những vùng không có điều kiện mà người dân khó có điều kiện để tham gia đấu giá trực tuyến thì vẫn có khả năng tổ chức đấu giá trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng đấu giá.
Bên cạnh đó, cần phải xác định biển số xe để đưa ra đấu giá là những loại biển số như thế nào? nên quy định tiêu chí để lựa chọn nguồn biển số xe để đưa ra đấu giá cần phải lượng hóa, cụ thể để biết nguồn đấu giá số lượng có là bao nhiêu biển số. Cần xác định được nguồn biển số đưa ra đấu giá và cũng nên quy định những tiêu chí để lựa chọn để làm sao phù hợp với mong muốn của người dân trong vấn đề lựa chọn biển số. Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu lại cho phù hợp về quyền hạn người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được tặng, cho, thừa kế.
ĐBQH Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phát biểu.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Tại Điều 6, Dự thảo Nghị quyết quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần làm rõ “tài năng đặc biệt” ở đây là như thế nào? Và cho rằng nếu quy định chung chung thì rất khó áp dụng.
Tại Khoản 2, Điều 6 của Dự thảo Nghị quyết có giao cho HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành chính sách ưu đãi về quy hoạch và bổ nhiệm đối với đối tượng các nhà khoa học, các chuyên gia, các đại biểu cho rằng không nên giao quyền cho HĐND tỉnh Đắk Lắk vì công tác cán bộ phải thống nhất theo quy định của Đảng và Luật Cán bộ, công chức…