Tham gia góp ý vào dự án Luật, ĐBQH Cầm Thi Mẫn, đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí với vai trò là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thực sự phù hợp, đề nghị cần xem xét lại. Bởi quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Về nội dung điều tra cơ bản về dầu khí, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cơ bản thống nhất với các quy định điều tra cơ bản về dầu khí tại Chương II của dự thảo luật. Tuy nhiên, để áp dụng thuận lợi trong thực tế, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ về cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí, không áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất.
Đối với hoạt động dầu khí được quy định tại Chương V, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, đây là nội dung mới, chưa được quy định trong Luật dầu khí hiện hành. Do vậy, đề nghị nghiên cứu có quy định đáp ứng các điều kiện Luật Dầu khí được ưu tiên áp dụng trong việc triển khai hoạt động dầu khí, phê duyệt dự án, hợp đồng dầu khí. Theo đó, trình tự, thủ tục phê duyệt các báo cáo kế hoạch phát triển mỏ đại cương, kế hoạch phát triển mỏ sớm và kế hoạch phát triển mỏ, các báo cáo kỹ thuật khác và dự án dầu khí được thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Dầu khí. Việc triển khai dự án được chia theo từng giai đoạn, phù hợp với từng giai đoạn của hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, mở rộng hình thức, cơ chế ưu đãi đối với hợp đồng. Đồng thời xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường là 20%....