• :
  • :

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tham gia góp ý về nội dung này, ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa (ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 3 cũng như ý kiến của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH.

Cho ý kiến về Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 4, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cân nhắc, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Khoản 1, bởi lẽ tinh thần của luật là lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính, do đó phải xác định lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm. Đây mới là nguyên tắc phòng, chống hành vi bạo lực gia đình, hạn chế đến mức tối đa xảy ra bạo lực gia đình.

Nguyên tắc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm nên chuyển về Khoản 2 điều này vì lúc này hành vi bạo lực đã diễn ra và cần phải có biện pháp can thiệp, quan tâm để chống hành vi bạo lực gia đình tái diễn trên thực tế.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng đề nghị xem lại nguyên tắc “Không hòa giải hành vi bạo lực gia đình” tại Khoản 2 Điều 17 Dự thảo Luật, bởi lẽ hành vi bạo lực gia đình là hành vi đã hoặc đang diễn ra, nếu kịp thời can ngăn, hòa giải các bên liên quan để chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình là điều nên làm. Nếu quy định không hòa giải hành vi cũng chưa thực sự rõ tính quy phạm của văn bản luật, “hành vi” theo từ điển Tiếng Việt là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể, do đó, không thể có việc hòa giải hành vi mà chúng ta phải hướng đến người có hành vi bạo lực gia đình để có tác động tích cực, phù hợp tới họ để họ không thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Ngay tại Khoản 1 cũng đã nêu nguyên tắc: Hòa giải là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm tái diễn bạo lực gia đình. Do đó đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Khoản 2 cho phù hợp.

Về việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 24, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị quy định Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an, trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về nội dung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp bằng chứng xác nhận tình trạng thương tật theo đề nghị của người bệnh là người bị bạo lực gia đình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại Điều 29, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cần rà soát và quy định cho thống nhất với Luật Giám định tư pháp và cũng để tránh nhầm lẫn với việc xác định tỷ lệ thương tật. Đồng thời, đề nghị chỉ quy định về việc cung cấp hồ sơ bệnh án của người bị bạo lực gia đình theo yêu cầu của người bị bạo lực gia đình và tổ chức cá nhân có thẩm quyền.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

ĐBQH Võ Mạnh Sơn phát biểu góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Để nhằm tránh tranh cãi khi có phát sinh tình huống cụ thể trong cuộc sống, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng dự thảo luật nên bổ sung thêm vào Khoản 1, Điều 3 cho đầy đủ. Theo đó, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo nên điều chỉnh thành: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình và xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận.

Nhằm ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần xem xét bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 5, cụ thể như sau: Người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo; người đồng bào dân tộc thiếu số. Đồng thời, bổ sung khoản 1 Điều 7 dự thảo luật cụ thể như sau: Nhà nước ưu tiên nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về trách nhiệm của thành viên trong gia đình, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý về bạo lực trong gia đình để kịp thời ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình.

Về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung đó là: Mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình đến một trong các địa chỉ quy định tại khoản 2 Điều này.

Để ngăn chặn tức thì đối với hành vi dùng vũ lực giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung này như sau: Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo khả năng của mình có trách nhiệm yêu cầu hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết được pháp luật cho phép để ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.

Về việc góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng nên coi việc không đến địa điểm tổ chức góp ý, phê bình là “tình tiết tăng nặng” khi xử lý các hành vi bạo lực gia đình, chứ không nên có sự tham gia của đại diện công an. Vì như thế vừa tạo áp lực công việc cho lực lượng công an cơ sở, lại vừa gây thêm tâm lý không hợp tác, thậm chí phản tác dụng đối với việc xử lý bạo lực.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết