Các ĐBQH tham dự buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật BHXH (sửa đổi); đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực, như: Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc; mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc; trốn đóng BHXH bắt buộc; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau; quy định về BHXH 1 lần; chi phí quản lý BHXH...
Các ĐBQH tham dự buổi thảo luận tại tổ.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị quan tâm không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi về BHXH mà người lao động đang được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy mình đang chịu phần thiệt sau nhiều thay đổi về chính sách gần đây, như: việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.
Cần thận trọng, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội như: BHXH một lần, cách tính, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ đối với người lao động chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội... Đề nghị không quy định tối đa mà quy định cụ thể trong dự thảo Luật số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau và thai sản là “10 ngày”, “7 ngày”, “5 ngày” đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, bỏ quy định người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức. Đề nghị quy định số ngày cụ thể đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản; bỏ quy định người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật.
Đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
Đề nghị nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% bằng 1 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn (thay vì 0,5 lần như Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang quy định).
Cần có các quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.
Bên cạnh đó, đề nghị thiết kế một số quy định trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà không thể đóng BHXH cho người lao động...