Tham gia góp ý, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực, như: quy định giao dịch phải qua sàn giao dịch bất động sản và hợp đồng không phải công chứng, chứng thực; về kinh doanh bất động sản; quy định chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải thông qua sàn giao dịch bất động sản; quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản…
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định trong dự án luật đảm bảo thống nhất với các luật khác có liên quan để đảm bảo tính khả thi, hạn chế vướng mắc khi tổ chức thực hiện. Bổ sung về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, gồm phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dự án phải được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua, thuê nhà ở khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng trong hợp đồng...
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và cho rằng Luật này rất quan trọng liên quan rất nhiều đến Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các luật khác. Về giá giao dịch bất động sản quy định tại khoản 1 Điều 48, ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị cần quy định để xử lý những vấn đề có liên quan giữa người mua và người bán, không khai báo giá trung thực ghi trong hợp đồng. Đồng thời đề nghị phí dịch vụ trong việc mua bán thông qua các sàn giao dịch bất động sản nên có quy định giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chứ không để cho các bên tự thỏa thuận. Luật nên quy định sau 5 năm thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và kèm theo những điều kiện cụ thể để được xem xét cấp chứng chỉ. Nên quy định cụ thể cho từng loại kinh doanh bất động sản và từng loại hợp đồng kinh doanh bất động sản...
ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì không được huy động góp vốn từ phía người dân; nếu có thì chỉ cho phép huy động góp vốn từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và các doanh nghiệp có liên quan. Đồng thời đề nghị cần xem xét liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch…
ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhất trí quy định việc chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này. Đồng thời đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi bên mua nhà ở công trình xây dựng trong tương lai, trong đó phải quy định tối đa tỷ lệ tiền đặt cọc để tránh việc lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc… Đồng thời, cũng phải quy định các trường hợp cụ thể trả lại tiền đặt cọc và quy định thời hạn trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng; tránh việc lợi dụng việc đặt cọc tiền để lợi dụng nhằm mục đích chiếm dụng vốn của khách hàng…