Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì thảo luận tại tổ.
Góp ý vào Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các ĐBQH đã tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng…
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định thêm nội dung về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần xem xét lại nội dung tại Điều 17 quy định tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, không nên quy định việc chủ tịch Hồi đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân có quyền và nghĩa vụ theo quy định của ngân hàng nhà nước, không được giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Cần có chế tài đối với việc xử lý thu giữ tài sản đảm bảo…
ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn theo hướng cho phép người nghèo, người lao động được vay tín chấp để có khoản vay ban đầu, tạo lập các yếu tố đời sống cơ bản nhằm yên tâm lao động sản xuất. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định “trường hợp ngừng giao dịch trực tuyến, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo ngừng giao dịch (thời gian ngừng giao dịch, lý do ngừng giao dịch) trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn… chậm nhất 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung “Tổ chức và hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác” vào đối tượng áp dụng tại Điều 2…
Đại biểuCầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị rà soát những nội dung tại dự thảo về các văn bản, nghị định, quyết định, thông tư đã được áp dụng phổ biến có tính ổn định thì có thể đưa vào dự án Luật để nâng cao hơn nữa hiệu lực của các quy định. Đồng thời cần nghiên cứu cân nhắc tên gọi của dự án Luật cho phù hợp; nên rà soát, kịp thời cập nhật những quy phạm mới tại các dự thảo nêu trên để đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh những quy định chồng chéo giữa các dự án Luật…
Tham gia góp ý về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH là rất là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh các dự án Luật. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để báo cáo với Ban soạn thảo theo quy định.