ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham góp ý vào các Dự án Luật.
Tham gia ý kiến vào Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật như: Tại Điểm d, đ, Khoản 1 Điều 12 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí nên nhập thành một cho gọn và giảm bớt thủ tục hành chính. Vì nếu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã phải trình Bộ Công thương phê duyệt kết quả điều tra cơ bản về dầu khí thì việc yêu cầu nộp báo cáo kết quả sau khi đã phê duyệt về Bộ Công thương là không cần thiết, vì chính Bộ Công thương đã phê duyệt.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý vào các Dự án Luật.
Tại khoản 3, điều 15 quy định điều kiện tham gia đấu thầu hoặc chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí có nêu: “có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên môn trong hoạt động dầu khí”. Quy định nêu trên là đúng nhưng còn chung chung, trong áp dụng trong thực tế lại có nhiều vướng mắc và cách hiểu khác nhau. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ “đủ năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm” ở đây là như thế nào để tham gia đấu thầu?
Cần bổ sung việc điều chỉnh cả công trình dầu khí. Bởi công trình dầu khí gắn liền với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Cần quy định mở rộng hơn đối với các đơn vị tư vấn khác có khả năng tổ chức điều tra cơ bản về dầu khí. Đề nghị bổ sung thêm “không chỉ cấm thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép” mà kể cả các công trình dầu khí chưa được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đề nghị nên có quy định nghĩa vụ của các nhà thầu thăm dò, khai thác trên vùng biển Việt Nam phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này là phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi gây thiệt hại và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. Đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép, đặc biệt là cấp giấy phép trực tiếp.