Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi giám sát.
Tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo MTTQ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài chính, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Giai đoạn 2018-2022, hệ thống y tế công lập trên địa bàn tiếp tục được đổi mới, quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Năm 2019, ngành y tế đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh: Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 5 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh (Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe); tổ chức lại 27 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và trung tâm y tế tuyến huyện. Sau sáp nhập, đã tinh giản 31 đầu mối đơn vị trực thuộc; ổn định tổ chức bộ máy của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 chi cục và 69 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế gồm: 13 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; 4 trung tâm tuyến tỉnh; 25 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố; 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; 559 trạm y tế xã. Toàn ngành hiện có 7 đơn vị hạng I (trong đó có 5 bệnh viện, 2 trung tâm); 36 đơn vị hạng II (trong đó có 32 bệnh viện, 4 trung tâm); 25 đơn vị hạng III (trong đó có 1 bệnh viện, 24 trung tâm) và 2 đơn vị chưa xếp hạng.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế báo cáo thực trạng hoạt động hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có hệ thống y tế tư nhân phát triển, giảm tải cho ngân sách Nhà nước, tạo thêm sự lựa chọn cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Trên địa bàn toàn tỉnh có 1.467 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 18 bệnh viện tư nhân (10 bệnh viện đa khoa, 8 bệnh viện chuyên khoa); 67 phòng khám đa khoa; 512 phòng khám y học cổ truyền, 870 phòng khám chuyên khoa và dịch vụ y tế khác. Cơ sở kinh doanh dược có 3.534 cơ sở (trong đó 107 cơ sở bán buôn, 586 nhà thuốc GPP, 2.753 quầy thuốc GPP, 4 cơ sở bán buôn dược liệu và 82 cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền) và có 4 tủ thuốc trạm y tế.
Về nhân lực, hiện nay, có 14.133 công chức, viên chức làm việc tại hệ thống y tế công lập, trong đó có 3.117 bác sĩ, 209 dược sĩ từ đại học trở lên, 440 dược sĩ cao đẳng và trung cấp, 5.778 điều dưỡng, 1.858 y sĩ và 2.731 cán bộ khác. Đối với khối y tế ngoài công lập, tổng nhân lực hiện có là 3.706 người, trong đó có 857 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11,7 (tính chung cả trong và ngoài công lập); 86% trạm y tế xã có bác sĩ; số bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã được đào tạo theo nguyên lý y học gia đình đạt 71%...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ hệ thống y tế, công tác y tế đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, toàn ngành đã đạt và vượt 100% chỉ tiêu tỉnh giao. Đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các dịch bệnh khác ổn định. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục áp dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để điều trị hiệu quả một số bệnh hiểm nghèo, triển khai khám chữa bệnh từ xa, năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hài lòng của người dân ngày một cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện thủ tục hành chính, quản lý hồ sơ bệnh án, chăm sóc người bệnh trước, trong và sau khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế được nâng cao, tạo điều kiện tốt hơn trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ, nhất là mạng lưới y tế cơ sở chưa phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Cơ sở vật chất trang thiết bị tại tuyến xã đã được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu công việc, cán bộ trạm y tế còn thiếu, nhất là bác sĩ, hộ sinh, dược sĩ, y học cổ truyền. Chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, còn có sự chênh lệch giữa các tuyến, các vùng. Công tác y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn kinh phí cho các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng còn rất hạn chế. Công tác xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn thu. Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được thực hiện theo tổng mức thanh toán gây khó khăn cho các đơn vị y tế...
Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế đã trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, chỉ tiêu biên chế, hiệu quả triển khai của Đề án xã hội hóa, công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong chính sách tài chính...
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đề nghị Sở Y tế quan tâm phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ người dân.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực cố gắng của ngành y tế trong củng cố, kiện toàn tổ chức, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian qua, Sở Y tế đã chủ động tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thuộc các lĩnh vực của ngành, tạo cơ chế và nguồn lực cho hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh nói riêng. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế đã cụ thể hóa trong kế hoạch của ngành để triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là trong thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khẳng định vai trò nòng cốt kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Sở Y tế sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, quản lý hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý chất thải...
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe người dân, đồng chí đề nghị Sở Y tế tiếp tục làm tốt công tác tham mưu trong ban hành chủ trương, cơ chế chính sách phát triển hệ thống y tế cơ sở bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp thực tiễn. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, định hướng hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong quản lý khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, ngành cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ y tế yên tâm công tác. Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn..., phát triển mạng lưới cơ sở y tế Thanh Hóa theo hướng hiện đại, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, dự phòng tích cực và chủ động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, sớm đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của ngành y tế để tổng hợp, đưa vào báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh.