Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Từ những nhân tố “tạo lực”...
Trên đại công trình Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn - nơi Thủ tướng đến thăm - luôn bộn bề máy móc và rộn rã nhịp công nghiệp...
Nhớ lại những ngày cách đây chừng chục năm, cả dải đất ven biển từng diễn ra một cuộc “dời non lấp biển” đúng nghĩa đen của cụm từ ấy. Và, song song với đó là “cuộc vận động lòng dân” vô cùng rốt ráo, quyết liệt để hàng nghìn hộ dân đồng thuận nhường đất chôn rau cắt rốn cho những công trình mang tầm vóc thế kỷ. Kế đó là hàng nghìn tấn thiết bị “đổ bộ” lên đây, đã phần nào cho người ta hình dung về diện mạo một Nghi Sơn đầy mạnh mẽ. Để rồi, trải qua nhiều năm, bằng nhiều chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư của tỉnh Thanh Hóa và của Chính phủ, Nghi Sơn đang và sẽ có được vóc dáng “vạm vỡ” như gã khổng lồ vươn mình về phía biển, đón lấy những thời cơ mới, những vận hội chưa từng có để vươn mình “thức dậy”, xứng với sự quan tâm và kỳ vọng dành cho một KKT trọng điểm quốc gia - hạt nhân và là động lực của toàn ngành công nghiệp xứ Thanh này, nếu không muốn nói là cho cả nền kinh tế.
KKT Nghi Sơn đang là đầu tàu kéo cả “đoàn tàu công nghiệp” Thanh Hóa tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước. Và từ Nghi Sơn - nơi những nhà máy đang ngày đêm vận hành hết công suất - những thùng dầu, từng ki-lô-oát điện, mỗi tấn thép, từng tấn xi măng... đang vượt biển đi khắp trong Nam ngoài Bắc và vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia. Để rồi tất cả đều trở thành tiền bạc, thành giá trị và đến lượt nó quay trở lại xây đắp nên những điện - đường - trường - trạm, những công trình dân sinh góp phần mang lại đời sống đủ đầy, no ấm cho người dân xứ Thanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cũng bởi vai trò to lớn và không thể thay thế của KKT Nghi Sơn trong sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung, nên việc Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho KKT động lực này có ý nghĩa hết sức to lớn, đặc biệt là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một trong những công trình mang tầm vóc quốc tế, hay “công trình thế kỷ lớn đầu tiên” hiện diện trên mảnh đất Thanh Hóa. Với tổng mức đầu tư gần 9,3 tỷ USD, đây là tổ hợp chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu hiện có mặt tại Việt Nam. Công trình sừng sững mang tính biểu tượng của cả KKT, cũng ví như “trái tim” đang đập những nhịp chắc nịch, để khẳng định vị thế vững chãi của KKT Nghi Sơn trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và người lao động làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Khi sức vóc và tầm vóc của “công trình thế kỷ” đã hiện hữu, thì một lẽ đương nhiên, điều nhiều người quan tâm sẽ là những “con số vàng” mà dự án này mang lại. Đi vào vận hành từ năm 2018, đến nay nhà máy đã cho ra đời 37 triệu tấn sản phẩm, doanh thu 579.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 75.000 tỷ đồng; riêng năm 2023, dự kiến nộp ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, nhà máy có thể đáp ứng trên 35 - 40% nhu cầu xăng, dầu trong nước, với 12 sản phẩm lọc, hóa dầu được xuất bán ra thị trường... Đó là những “con số vật chất” cực kỳ có sức nặng, đủ làm nức lòng những người quan tâm đến vấn đề an ninh xăng, dầu, an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, đó là những con số đã và đang tạo ra đòn bẩy tăng trưởng và từng bước hiện thực hóa về chất trong công cuộc đổi mới và hội nhập cho mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này.
Là biểu tượng của tình hữu nghị và là thành quả từ thiện chí hợp tác giữa 3 nước Việt Nam – Nhật Bản – Cô oét; quá trình hình thành và phát triển, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn hướng đến mục tiêu trở thành liên hợp lọc hóa dầu hàng đầu châu Á và thực hiện sứ mệnh mang đến các lợi ích cho cộng đồng xã hội và con người. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh khi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Đây là “cuộc chơi” mà các bên phải đều có lợi, chứ không thể lợi ích thuộc về doanh nghiệp còn đất nước lại chịu thiệt hại. Xuất phát từ điều đó, khi đặt ra yêu cầu về 3 tái cấu trúc - gồm tái cấu trúc quản trị, tái cấu trúc tài chính và tái cấu trúc sản xuất - để tháo gỡ các vấn đề đang gây trì trệ, đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Cần tìm ra các giải pháp để các bên tham gia “cuộc chơi” cùng chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tình hình quy hoạch và đầu tư Cảng biển Nghi Sơn.
Được đặt tại địa điểm khá lý tưởng - nơi có những đại dự án tỷ đô, triệu đô, lại nằm trên huyết mạch hàng hải, nối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới - Cảng biển Nghi Sơn có nhiều lợi thế để phát triển trở thành một cảng biển đặc biệt của quốc gia. Đáng kỳ vọng hơn, để biến tiềm năng thành lợi thế so sánh, trong định hướng phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã “đi trước đón đầu” bằng ý tưởng quy hoạch cụm đảo Hòn Mê theo hướng kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trên cơ sở lấn biển khu vực cụm đảo Hòn Mê để xây dựng ở đây một tổ hợp khu công nghiệp - thương mại - du lịch - logistics - cảng biển tầm khu vực và quốc tế trong tương lai.
Khu tổ hợp với thiết kế hình lục giác, vừa tạo cảm giác hình học hút thị giác khi nhìn từ trên cao, vừa làm giảm thiểu tác động của sóng và gió từ mọi hướng. Toàn bộ Khu tổ hợp gồm bến cảng khổng lồ hay siêu bến cảng (có khả năng tiếp nhận tàu Container cỡ lớn tới 24.000 TEU, tàu hàng tới 250.000 tấn và hệ thống các cảng chuyên dụng...); và thành phố liên kết. Đặc biệt, tất cả các con đường trên tổ hợp được kết nối đến một cây cầu dẫn vào đất liền, nhằm bảo đảm cho tòa nhà trung tâm (ở đầu cầu) sẽ dễ dàng điều phối tất cả các hoạt động của siêu tổ hợp dựa trên ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo và Big data. Cây cầu có độ dài khoảng 10 km, nối đất liền với đảo Hòn Mê, được thiết kế với một số nhịp có độ cao tĩnh không lớn và bảo đảm cho các tàu cỡ lớn ra vào Cảng Nghi Sơn. Hơn nữa, cây cầu này sẽ trở thành một điểm nhấn mới về kiến trúc và mang tính biểu tượng trên vùng biển Nghi Sơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tình hình quy hoạch và đầu tư Cảng biển Nghi Sơn.
Có thể nói, việc hiện thực hóa ý tưởng trên gắn với sự ra đời của Khu tổ hợp siêu bến cảng và thành phố liên kết tại Nghi Sơn, cũng chính là hiện thực hóa mục tiêu hình thành một siêu cảng logistics tương xứng với tiềm năng to lớn của một quốc gia có bờ biển dài hơn 3.000 km như Việt Nam. Với ý tưởng thể hiện tham vọng cùng sự quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Nếu việc quy hoạch cần cái nhìn tổng thể, tầm nhìn chiến lược; thì việc đầu tư lại phải phân kỳ, song hành với các cơ chế chính sách đặc thù và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, làm cảng biển trước hết phải nắm được chân hàng, nguồn hàng, bạn hàng... Tóm lại, cần làm đâu chắc đó. Có như vậy, mới từng bước biến những điều trong lý tưởng dần được hiện thực hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân và người lao động Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn.
Quan tâm đến các vấn đề thuộc về “quốc kế”, nhưng đồng thời cũng không quên những việc thuộc về “dân sinh”. Trong chuyến đi với lịch trình dày, Thủ tướng Chính phủ vẫn dành thời gian thỏa đáng để đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực (Nghi Sơn). Đặc biệt là dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ đang công tác tại đây. Bởi theo Thủ tướng, con người mới là chủ thể, là trung tâm, là động lực của mọi sự phát triển. Và do đó, chăm lo cho con người trước hết là quan tâm chăm sóc sức khỏe để mỗi người dân khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực - Nghi Sơn...
Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành y không chỉ có yếu tố khoa học, mà còn gắn liền với yếu tố đạo đức, nhân văn, tâm lý, xã hội”. Do đó, người thầy thuốc mà trực tiếp là đội ngũ y, bác sĩ cần lấy cống hiến, phục vụ Nhân dân là mục tiêu, là sứ mệnh trên hết và trước hết. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp, hấp dẫn và hiệu quả, nhằm thù hút được nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đồng thời, phải làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp - Nhà nước...
... và động viên các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
... đến hiện thực hóa khát vọng phát triển
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước vốn vô cùng gian lao, nhưng cũng quá đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn giữ một vị thế hết sức đặc biệt và đặc thù. Tính đặc thù ấy, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, được biểu hiện rõ nét trên tất cả các mặt từ điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế đến văn hóa - xã hội, với nhiều nét độc đáo riêng có. Không chỉ là vùng đất có lịch sử lâu đời, xứ Thanh còn là một tiểu vùng văn hóa đặc sắc, giàu giá trị. Mảnh đất của lịch sử và văn hóa này chứa đựng trong lòng nó là cả “vô lượng truyền thống” của tinh thần yêu nước, của bản lĩnh, trí tuệ cùng khí phách, cốt cách dân tộc Việt Nam. Từ trường kỳ lịch sử, bản lĩnh và khí phách ấy đã đưa dân tộc Việt Nam đi qua “đêm trường” nô lệ đau thương nhất, chống lại các thế lực ngoại bang hùng mạnh nhất, để khảng khái định lại chủ quyền, quyền độc lập, quyền tự quyết dân tộc. Đồng thời, cũng tinh thần, khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã đưa dân tộc ta di qua những năm đổi mới đầy thách thức để đạt được những thành tựu chưa từng có như ngày nay. Qua mỗi giai đoạn lịch sử ấy, Thanh Hóa đều góp mặt hay đều có những đóng góp xứng đáng. Để mỗi khi cái tên xứ Thanh được xướng lên, người dân xứ sở này đều có quyền vinh dự, có quyền tự hào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Cũng bởi, xác định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của tỉnh Thanh Hóa mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để nghị quyết này thực sự là tiền đề, là nền tảng của tư duy, tầm nhìn, trong cách nghĩ, cách làm để tạo ra sự đột phá tăng trưởng, xứng với vai trò, vị thế chiến lược của mảnh đất xứ Thanh trong lịch sử, cũng như tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thủ tướng cho rằng: Thanh Hóa phải tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hài hòa. Và hơn hết là phải luôn luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết. “Thanh Hóa đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đột phá. Khi thăng trầm là khi đoàn kết có vấn đề; khi đột phá là lúc tinh thần đại đoàn kết được đề cao”. Do đó, “qua mỗi bước thăng trầm hay đột phá, bài học được đúc rút vẫn là giữ vững tinh thần đại đoàn kết”. Đó là điều được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Thực tế, để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 58, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nửa nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” và sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước (sau các tỉnh/thành: Bắc Giang, Hải phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Đây được xem là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước...
Khẳng định, những thành quả Thanh Hóa đạt được là hết sức quan trọng, đã và đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời nhấn mạnh: Bài học của sự thành công là “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Do đó, bên cạnh tinh thần đoàn kết, lấy đoàn kết làm điểm tựa, làm nền tảng, Thanh Hóa cần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; phải huy động sức mạnh toàn dân cho phát triển; phải nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện và đặc biệt là không để ai bị bỏ lại phía sau!.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Đặc biệt, với tinh thần sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật, vào những vấn đề “nóng” và nói thẳng, nói thật được Thủ tướng nêu lên tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu cho các bộ, ngành, Trung ương và địa phương có cái nhìn khách quan, đa chiều, thậm chí là nhìn nhận một cách sòng phẳng để thấy rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và tìm hướng tháo gỡ, giải quyết khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, vấn đề trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thời gian qua đã trở thành vấn đề “nóng”, khi nó đã trở thành một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ trong thực thi công vụ của các cơ quan công quyền. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là điều được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Hay như vấn đề thiếu giáo viên với 1 tỉnh có quy mô ngành giáo dục đứng thứ 3 cả nước như Thanh Hóa, đã và đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Để tháo gỡ nan đề khó và kéo dài suốt nhiều năm này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tích cực hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa. Thủ tướng cũng nhấn mạnh một nguyên tắc chỉ đạo dựa trên tinh thần rất nhân văn, đó là ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên. Song, việc bố trí giáo viên phải trên cơ sở phù hợp, đúng quy định và hiệu quả. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật và tình hình cụ thể của địa phương. Đồng thời, phải tiến hành cơ cấu lại đội ngũ giáo viên; cũng như sắp xếp lại mạng lưới trường lớp để xử lý căn bản câu chuyện thiếu giáo viên.
...
Hẳn rằng, mọi con đường đều bắt đầu từ những dấu chân đầu tiên đặt lên những sỏi đá gập ghềnh. Nhưng khi dáng dấp con đường đã định hình, thì làm như thế nào để đến đích lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách đi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tại buổi làm việc.
Dĩ nhiên, không có con đường nào là dễ dàng, song vẫn có nhiều sự lựa chọn để đến đích thành công. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa phải chú trọng hơn đến sự “điều khiển, sắp đặt”, để làm cơ sở thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: Cơ chế chính sách thông thoáng; hạ tầng chiến lược thông suốt; điều khiển, sắp xếp thông minh. Song song với đó là một tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Bởi có như vậy, cùng với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, nỗ lực lớn trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong hành động của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tin cậy và tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Thanh Hóa sẽ “khai phá” được con đường ngắn và dễ dàng hơn để đi đến cùng mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu!.