Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Báo Thanh Hóa nhân kỷ niệm 50 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 - 20-3-2012).
Trải qua hơn 30 năm tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giành chính quyền tháng 8-1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, báo chí cách mạng tỉnh nhà đã đồng hành tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân. Tiếp nối tờ báo Tiến lên là các tờ báo Hồn lao động, Tự do, Chống giặc, Gái ra trận, Khởi nghĩa, Đuổi giặc nước... Đến ngày 20-3-1962, Báo Thanh Hóa đổi mới - sau đổi tên là Báo Thanh Hóa - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa chính thức ra mắt bạn đọc. Từ tờ Báo Thanh Hóa khổ nhỏ 4 trang, in đen trắng, phát hành 2 kỳ/ tuần, đến nay Báo Thanh Hóa đã xuất bản nhiều ấn phẩm (báo in và báo điện tử).
Sáu mươi năm qua, cùng với sự lớn mạnh của tòa báo, nhiều thế hệ làm báo Báo Thanh Hóa đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ xứng đáng vào quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành về mọi mặt của báo Đảng tỉnh nhà. Thế hệ đầu tiên đặt nền móng xây dựng tờ báo là các bác Lê Tân, Lê Đỉnh, Phạm Xuân Huyên, Lưu Văn Thuộc, Nguyễn Văn Trợ, Lê Nghĩa... những người đã từng tham gia kháng chiến được Tỉnh ủy điều động về tòa soạn. Với nhiệt huyết cách mạng và kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều lĩnh vực, các bác đã tổ chức anh chị em phóng viên viết tin, bài, chụp ảnh, xuất bản đúng kỳ, đúng tôn chỉ mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Mấy năm sau, đội ngũ phóng viên của báo được tăng cường từ một số sở ban ngành, các đơn vị trong tỉnh về đó là các anh Văn Tập, Trần Hiệp, Trần Đàm, Hoàng Khới, Sỹ Hành, Vĩnh Lạng... Thời kỳ này, đội ngũ phóng viên và tòa soạn phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, cơ quan báo 3 lần đi sơ tán nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng, với ý chí “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cán bộ, phóng viên Báo Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền các phong trào thi đua của Nhân dân trong tỉnh, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chi viện sức người, sức của cho chiến trường, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với đỉnh cao là chiến dịch Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Thế hệ báo thứ hai được bổ sung tăng cường về cho Báo Thanh Hóa sau ngày đất nước thống nhất phần lớn là các đồng chí bộ đội từ các chiến trường trở về; sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong nước, nước ngoài; một số phóng viên chuyển về từ các báo Trung ương, báo tỉnh bạn. Đó là các anh Nguyễn Bình, Lê Kiên, Hồng Chức, Việt Khoa, Anh Ngà, Minh Thiệu... Với nhiệt huyết của người lính trên mặt trận mới, lòng đam mê của người sinh viên vừa ra trường, các nhà báo đã hăm hở lao vào thực tiễn của quần chúng Nhân dân, đến các công trường, nhà máy, xí nghiệp, xuống đồng ruộng hay về vùng biển đánh bắt cá, đến các bản làng miền núi xa xôi... để viết tin, bài, chụp ảnh phản ánh phong trào lao động sản xuất, khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh thực hiện công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.
Thế hệ làm báo thứ ba của Báo Thanh Hóa là lực lượng đông đảo hùng hậu nhất được “đầu quân” về tòa soạn những năm đầu thập niên 1990. Anh chị em được đào tạo chính quy, bài bản từ nhiều trường đại học, nhiều người có trình độ cao học, có người được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ở nước ngoài. Hiện nay, trong số này nhiều người là cán bộ chủ chốt của Báo Thanh Hóa, tham gia Ban Biên tập, trưởng, phó các phòng chuyên môn; là những cây bút sắc sảo, những phóng viên chuyên sâu từng lĩnh vực; đây là lực lượng chủ công thực hiện Đề án đổi mới nâng cao chất lượng và hội nhập nền báo chí hiện đại của Báo Thanh Hóa. Đó là các nhà báo Hoàng Tuấn Kiên, Trần Thủy, Quang Tự, Việt Ba, Hồng Hạnh, Lê Dung, Hoàng Tuấn, Thùy Dương...
Điều đáng quý nhất và là cội nguồn sức mạnh để Báo Thanh Hóa “gặt hái” được nhiều thành công trong 60 năm qua chính là có đội ngũ những người làm báo qua các thời kỳ luôn vững vàng về phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên sâu về nghiệp vụ và lòng say mê nghề nghiệp. Cuối năm 2020, thực hiện Đề án sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong tỉnh, Báo Văn hóa & Đời sống được sáp nhập về Báo Thanh Hóa nâng tổng số cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan lên hơn 90 người. Trong đó, nhiều người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; có người có hai bằng đại học.
Có dịp về thăm lại cơ quan cũ, tôi rất phấn khởi vui mừng vì thấy Báo Thanh Hóa - mái nhà thân yêu nơi tôi đã gắn bó trọn cuộc đời làm báo của mình hơn 36 năm, không ngừng đổi thay. Trụ sở Tòa soạn cao 9 tầng đủ điều kiện cho một tòa soạn báo hội tụ hiện đại làm việc. Gặp lại anh chị em cũ có, mới có, người chuẩn bị nghỉ chế độ, người bước sang tuổi trung niên, người mới vào nghề... ai cũng cởi mở, thân thiện. Các phóng viên đều rất chững chạc, phong độ, trang bị đầy đủ các thiết bị làm nghề..., có thể tác nghiệp bất cứ lúc nào, và trong mọi hoàn cảnh. Bây giờ phóng viên đi lên huyện vùng cao Mường Lát (giáp nước bạn Lào) là truyền ngay tin, bài, ảnh về tòa soạn; khác hẳn thời chúng tôi: chỉ một chiếc cặp, một cuốn sổ, một bút máy và cái xe đạp (người sang thì có xe máy cà tàng) thường xuyên rong ruổi lên rừng, xuống biển, về các xã, các huyện, đến công trường, nhà máy, xí nghiệp đi một, hai ngày về viết xong bài tiếp tục chuyến đi khác.
...Thường xuyên đọc và xem các ấn phẩm Báo Thanh Hóa, gặp đội ngũ phóng viên đang làm việc tại tòa soạn, tôi rất yên tâm và tin tưởng rằng Báo Thanh Hóa sẽ vững vàng bước tiếp trên chặng đường mới mà các thế hệ làm báo đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hình thức trình bày, phát triển tờ báo hiện đại hơn nữa, xứng tầm một tờ báo Đảng địa phương mạnh trong làng báo cả nước.