Công nhân Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng trong ca sản xuất.
Với phương châm thi đua hướng về cơ sở, thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, của ngành và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, hàng năm, ngay từ đầu năm, công đoàn ngành đã phối hợp với Sở Công Thương phát động phong trào thi đua trong toàn ngành. Công đoàn ngành chỉ đạo các công đoàn cơ sở và các cụm thi đua chủ động đăng ký thi đua, tổ chức ký cam kết thi đua, đổi mới nội dung thi đua; thành lập các đoàn tổ chức khảo sát việc xây dựng mô hình trong phong trào thi đua trên cơ sở đăng ký xây dựng mô hình tiêu biểu, đại diện cho khối sản xuất, kinh doanh và khối hành chính sự nghiệp trong ngành.
Để triển khai các phong trào thi đua đạt hiệu quả, lãnh đạo Sở Công Thương và Ban Thường vụ công đoàn ngành đã đề ra các chủ trương và biện pháp chỉ đạo bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, mục tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong đó, đối với khối hành chính sự nghiệp phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” gắn với phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Xây dựng cơ quan văn hóa ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”... Khối doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”; “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “CNVCLĐ tiên phong hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh” giai đoạn 2021-2030; “Học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp”; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, tiếp thu công nghệ mới, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế...
Các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 02-NQ/BCT của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào vì được cống hiến, thúc đẩy tư duy sáng tạo của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành.
Đồng chí Phạm Ngọc Điệp, Chủ tịch Công đoàn ngành công thương cho biết: Các phong trào thi đua do Công đoàn ngành công thương phát động trong thời gian qua đã thu hút đông đảo cán bộ, CNVCLĐ trong ngành hưởng ứng, tích cực, hăng hái thi đua lao động sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Qua việc tổ chức các phong trào thi đua, khơi dậy niềm đam mê lao động sáng tạo, làm chủ khoa học - kỹ thuật của CNVCLĐ. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài khoa học của cán bộ, CNVCLĐ được áp dụng đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm được ngày công, sức lao động. Từ năm 2017 đến nay, thông qua các phong trào thi đua đã có 325 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài khoa học được áp dụng thành công trong các lĩnh vực khoa học, quản lý, sản xuất, đời sống, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Điển hình như sáng kiến “Ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin One Office vào quản trị doanh nghiệp” làm lợi 3 tỷ đồng/năm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan - Trịnh Thị Loan; sáng kiến “Nâng công suất bơm hút chân không trong dây chuyền sản xuất giấy” làm lợi gần 1 tỷ đồng của công nhân Viên Hữu Thái, Công ty CP Giấy Lam Sơn Thanh Hóa...
Có thể khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước đã thực sự tạo động lực, khơi dậy khả năng sáng tạo, lòng nhiệt huyết, hăng say lao động của CNVCLĐ ngành công thương và thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh