Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa giám sát chuyên đề việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017, Quốc hội khóa XIV của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quỹ Tín dụng Nhân dân Ngư Lộc (Hậu Lộc).
Trước hết cần phải khẳng định rằng, việc Đảng lãnh đạo đối với hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là hoàn toàn đúng với Hiến pháp và pháp luật. Khoản 1 Điều 4 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định rất rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Trước hết, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động bầu cử để tìm ra những Đại biểu Quốc hội ưu tú, xứng đáng với nguyện vọng và thể hiện ý chí của Nhân dân.
Trong vai trò lãnh đạo bầu cử, thực tế đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng không hề làm mất đi tính dân chủ, quyền tự do của công dân mà đó chính là cơ sở để bảo đảm mở rộng dân chủ, để cử tri thực hiện tốt nhất quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, sáng suốt lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Để hoạt động giám sát của Đoàn được thực hiện hiệu lực, hiệu quả thì những đại biểu Quốc hội phải là những đảng viên có lập trường chính trị vững vàng; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nói và làm theo quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”. Quy định này cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giúp Đảng tìm ra những đảng viên xứng đáng trở thành Đại biểu Quốc hội, những đại biểu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động trong công tác giám sát giúp hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội nói chung và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói riêng ngày một hiệu lực, hiệu quả hơn.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn các cơ quan dân cử. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm cho Đoàn đại biểu Quốc hội đủ năng lực, quyền hạn để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động giám sát.
Thứ hai, cần đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát của của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua việc cụ thể hóa xây dựng và ban hành nghị quyết chỉ đạo hoạt động giám sát. Đây là quan điểm nhất quán trong thực tiễn lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng chính là việc Đảng phải có sự đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình do Hiến pháp, pháp luật quy định. Các cấp ủy Đảng cần phải tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền giám sát, tránh sự xung đột giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội.
Theo Điều 48 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội: “(1) Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát thông qua các hoạt động sau đây: Giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu. (2) Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương".
Trong thời gian qua, các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội luôn được Đảng theo dõi sát sao và ra nghị quyết chỉ đạo kịp thời. Đảng chú trọng tính mới trong hoạt động giám sát các chuyên đề và đảo đảm thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở các địa phương. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, xác định hoạt động giám sát là chức năng quan trọng của Quốc hội giúp ổn định nền kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tách giám sát thành một nội dung riêng trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp. Đảng nêu rõ: “Giám sát là tất yếu khách quan đối với mọi tổ chức do con người lập ra, tổ chức càng cao, càng chặt chẽ, kỷ luật càng nghiêm minh càng phải giám sát nghiêm túc”, bên cạnh đó thể hiện quan điểm về giám sát chuyên đề: “Chú trọng giám sát theo chuyên đề, quán triệt phương châm “giám sát phải mở rộng”, phát huy dân chủ, tăng cường giám sát cả về đối tượng, số lượng và phạm vi nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát”.
Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là một vấn đề quan trọng và tất yếu giúp hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đạt hiệu lực, hiệu quả cao góp phần ổn định kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Hướng đến mục tiêu năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là đất nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao (theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII).