Giáo dân xã Quảng Phú với mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao.
Xã Quảng Phú có 1.804 hộ với 7.171 khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm hơn 95% dân số toàn xã. Thực hiện phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, ủy ban MTTQ và đoàn thể chính trị phối hợp với các linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ các giáo xứ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thay đổi nếp nghĩ, khai thác tối đa tiềm năng đất đai để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, để giúp người dân có thêm điều kiện về đất đai canh thác, xã tập trung quy hoạch lại đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong khoảng 4 năm qua, xã Quảng Phú đã thực hiện chuyển đổi được hơn 108 ha đất kém hiệu quả, vườn tạp để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Từ quỹ đất được tạo ra, bà con giáo dân trong xã đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả theo hướng quy mô lớn. Nhờ tích cực phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào công giáo xã Quảng Phú nói riêng từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt 54,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,74%.
Huyện Thọ Xuân có khoảng 21.000 giáo dân, chiếm khoảng 11% tổng dân số toàn huyện, sinh sống ở 21/30 xã, thị trấn và sinh hoạt ở 9 giáo xứ. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Thanh Hóa, Ban Đoàn kết công giáo huyện Thọ Xuân đã chủ động phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo” với 10 nội dung, bao gồm “Bảy tốt đời, ba đẹp đạo”. Đồng thời gắn nội dung “Bảy tốt đời, ba đẹp đạo” với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”, “Giáo xứ, giáo họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”. Nhờ khéo vận động, Ban Đoàn kết công giáo huyện đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đồng bào công giáo trong việc tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Trong giai đoạn 2015-2022, đồng bào công giáo trong huyện Thọ Xuân đã chung sức bê tông hóa hơn 243 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, cải tạo và xây mới gần 119 km kênh mương nội đồng và 195 cống, trạm bơm tưới, tiêu; xây mới và nâng cấp, sửa chữa 12 trạm y tế; cải tạo và nâng cấp 200 phòng học; sửa chữa và làm mới 19 nhà văn hóa thôn. Nhiều vị linh mục, nam nữ tu sĩ là những tấm gương sáng trong cuộc sống “Đạo - Đời”. Điển hình như: Linh mục Nguyễn Cao Vinh, giáo xứ Hữu Lễ; Linh mục Phạm Văn Điền, giáo xứ Bích Phương là những người trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi kinh phí, giúp giáo dân làm 1,3 km mương tiêu có nắp đậy, bê tông hóa 1,8 km đường liên thôn. Hay linh mục Phạm Văn Quế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân và vận động bà con giáo dân đóng góp kinh phí bê tông hóa 1 km đường vào nghĩa trang, cứng hóa 2 km đường liên thôn 2 km. Ngoài ra, từng hộ gia đình đồng bào công giáo còn chủ động đầu tư hàng trăm triệu đồng để chỉnh trang nhà cửa, cổng, ngõ, góp phần xây dựng cảnh quan các khu dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp” theo tiêu chí NTM.
Cùng với chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đồng bào công giáo trong huyện còn đẩy mạnh phát triển sản xuất, thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao thu nhập từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như các mô hình nhà màng, nhà lưới, mạ khay, cấy máy, gia trại, trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả với thu nhập từ 200 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, ở vùng đồng bào công giáo trong huyện có 25 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp kết hợp trồng cây ăn quả, trồng hoa, trồng rừng. Trên cơ sở định hướng của huyện là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng bào công giáo huyện Thọ Xuân còn mạnh dạn thành lập các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại. Theo thống kế, toàn huyện có 64 doanh nghiệp, công ty do giáo dân quản lý và điều hành trên các lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, xăng dầu, vận tải, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ,... Trong đó, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống mang thương hiệu của Thọ Xuân và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Như ở giáo xứ Lam Sơn có các ông, bà: Lương Xuân Minh, chủ doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực xây dựng công trình; Nguyễn Văn Lân, chủ doanh nghiệp sản xuất nghề mộc gia dụng. Đó là bà Hồ Thị Lan, giáo xứ Hữu Lễ kinh doanh xăng dầu; ông Đỗ Văn Tâm, giáo xứ Phúc Địa đã mở công ty sản xuất khuôn đúc xây dựng nhựa composite.
Song song với đó, bà con giáo dân trong huyện còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư và đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đến nay, bà con giáo dân đều đồng thuận hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với thành lập các tổ liên gia, tổ hòa giải. Đồng thời, bà con giáo dân trên địa bàn huyện đã đóng góp hàng trăm ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tích cực tham gia các hoạt động giám sát của ủy ban MTTQ các cấp.
Những kết quả trong thực hiện phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào công giáo huyện Thọ Xuân không chỉ góp phần nâng đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân, mà còn từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn các vùng quê, các xứ đạo. Đây chính là nền tảng quan trọng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Thọ Xuân ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: Trần Thanh