Tượng đài chiến sĩ du kích Ngọc Trạo. (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá qua các giai đoạn, thực hiện các nhiệm vụ trước mắt do Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá tháng 2-1941 tại làng Phong Cốc (xã Xuân Minh, Thọ Xuân) đề ra, đầu tháng 6-1941, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chọn xã Ngọc Trạo thuộc huyện Thạch Thành làm điểm xây dựng chiến khu cách mạng của tỉnh nhằm kết nối các căn cứ Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định với Xứ uỷ Bắc kỳ. Đêm 19-9-1941 đội du kích Ngọc Trạo chính thức được thành lập gồm 21 đội viên do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm chỉ huy trưởng. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hoá đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên từ 21 chiến sĩ lên 40 rồi 80 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Thật vinh dự và tự hào làng Long Linh Ngoại, một trong những cái nôi cách mạng của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hoá đã có 4 chiến sĩ tham gia ngay từ những ngày đầu tiên: Trịnh Mậu Quyển, Trịnh Ngọc Sừ, Trịnh Huy Môn (có tài liệu ghi nhầm là Hoàng Văn Môn) và Trịnh Huy Chiếm.
Tư liệu lịch sử Đảng bộ xã Thọ Trường, nay thuộc xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân cho biết, tại làng Long Linh Ngoại, sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ngày 20-6-1938 gồm các đảng viên Trịnh Khắc Sản, Trịnh Huy Đức, Ngô Xuân Nghiên, Trịnh Thị Đức do đồng chí Trịnh Khắc Sản – Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Thanh Hoá trực tiếp làm Bí thư. Từ khi có chi bộ đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng nơi đây phát triển rất mạnh mẽ và đã thu được nhiều thắng lợi như đòi trả Lý trưởng do có nhiều tội ác phản dân hại nước, buộc Tri phủ Thiệu Hoá phải xin lỗi dân và hứa sẽ cho Lý trưởng làng Long Linh Ngoại từ chức; huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia nhiều cuộc mít tinh, biểu dương lực lượng đòi dân chủ, dân sinh... Đặc biệt từ năm 1940-1941, phong trào phản đế cứu quốc phát triển rất mạnh, phần lớn các làng, tổng ở Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định, Vĩnh Lộc đều xây dựng được các đội tự vệ cứu quốc. Riêng làng Long Linh Ngoại đã có gần 100 đội viên tự vệ tham gia, được tổ chức chặt chẽ theo hình thức “tam – tam chế”: 3 đội viên thành một tổ, 3 tổ thành một tiểu đội, 3 tiểu đội thành một trung đội. Giữa năm 1941, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ đảng, lực lượng tự vệ cứu quốc thôn Long Linh ngoại đã tổ chức đánh tháo thành công cho một cán bộ hoạt động bí mật của tỉnh bị địch bắt là đồng chí Đỗ Đình Khánh khi đồng chí đang bị áp giải qua địa bàn xã Trường Xuân.
Trong bối cảnh phong trào cách mạng tại làng Long Linh ngoại và xã Trường Xuân đang phát triển mạnh mẽ thì giữa tháng 8-1941 nhận được lệnh của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc điều động tự vệ tham gia Chiến khu Ngọc Trạo. Được sự thống nhất của tổ chức, 26 tự vệ tình nguyện của làng Long Linh Ngoại đã được lựa chọn đưa vào danh sách tăng cường lên Chiến khu. Để giữ bí mật và đánh lạc hướng kẻ thù, bãi vải làng Long Linh Ngoại (di tích lịch sử cấp tỉnh), được chọn là nơi luyện tập bí mật, điểm hội quân của cán bộ, chiến sĩ tự vệ các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa trước khi lên điểm tập kết Chiến khu du kích Ngọc Trạo.
Khu di tích Chiến khu du kích Ngọc Trạo.
Tại Chiến khu Ngọc Trạo, những trận chiến đấu thắng lợi ở Đa Ngọc, nơi tập kết các chiến sĩ tự vệ thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định trên đường vào Chiến khu đã khiến cho chính quyền thực dân phong kiến vô cùng lo lắng và buộc chúng phải tìm mọi cách dập tắt phong trào nơi đây. Sau một thời gian đánh hơi và lùng sục, quân địch đã lần ra dấu vết của đội du kích ở Chiến khu Ngọc Trạo. Theo đó địch đã huy động binh lính và mật thám của nhiều tỉnh tập trung về Thanh Hoá để tiến hành một cuộc vây ráp, khủng bố khốc liệt chưa từng thấy. Sáng sớm ngày 19-10-1941, một lực lượng lớn binh lính chia làm các mũi tiến công vào Chiến khu. Mặc dù tương quan lực lượng quân địch đông gấp bội, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đội du kích đã đánh lui nhiều đợt tiến công của chúng. Ba chiến sỹ du kích: Phạm Văn Hinh, Trịnh Huy Môn, Đỗ Văn Tước (trong đó Trịnh Huy Môn là tự vệ làng Long Linh Ngoại) đã hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau cuộc khủng bố tàn bạo của địch, ban lãnh đạo Chiến khu Ngọc Trạo quyết định phân tán nhỏ lực lượng về các vùng trong tỉnh nhằm xây dựng, củng cố, phát triển phong trào phù hợp với tình hình mới.
Kỷ niệm 82 năm thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo, người dân làng Long Linh Ngoại, xã Trường Xuân có quyền tự hào đã đóng góp một phần xương máu viết nên bản anh hùng ca trong phong trào chống đế quốc, giải phóng dân tộc những năm 1940-1941 ở Thanh Hoá, tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến cứu quốc.