• :
  • :

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Video: Tình trạng ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Còn tình trạng ngập cục bộ nhiều nơi

Chiều muộn ngày 1-10, sân và ngõ của gia đình bà Lê Thị Nếp ở thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) vẫn còn ngập đến nửa ống chân. Toàn bộ khu bếp và vườn phía sau khu nhà vẫn còn ngập sâu trong nước. Nằm sát phía Nam của Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, nhưng nhiều hộ dân trong thôn cũng không thoát được cảnh ngập úng sau đợt mưa lớn.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Ông Lê Văn Đởn phải lội nước ngập vào nhà.

Tại thôn Quang Trung cùng xã, suốt 3 ngày qua, 8 nhân khẩu của gia đình ông Lê Văn Đởn vẫn phải lội bì bõm qua sân và khu ngõ ngập nước để ra, vào nhà. Khu vườn trũng với nhiều rác, cộng với chất thải chăn nuôi khiến nước trở nên ô nhiễm. Nói về sự bất tiện, ông Đởn chia sẻ: Dòng nước ngập khá bẩn, tôi phải dùng ủng để lội qua. Tình trạng ngập úng cũng khiến cuộc sống cả gia đình những ngày qua bị đảo lộn và xuất hiện nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Tình trạng ngập tại thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) vào chiều 1-10.

Tình trạng ngập úng cục bộ còn diễn ra ở nhiều điểm dân cư trên địa bàn nhiều địa phương của tỉnh, nhất là các huyện ven biển và gần các sông Yên và sông Thị Long. Tại huyện Như Thanh, trong ngày 1-10, 8 hộ dân thuộc các xã Thanh Tân, Xuân Thái và Thanh Kỳ vẫn phải sơ tán để tránh tình trạng ngập lụt nguy hiểm. Huyện Như Xuân có 7 hộ nằm trong diện ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất nguy hiểm, trong đó 1 hộ của xã Thanh Quân vẫn phải đi sơ tán. 18 hộ dân xã Thành Công của huyện miền núi Thạch Thành cũng bị ngập do đợt mưa lớn.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn đọng nước.

Huyện Nông Cống bị ngập lụt nặng nhất trong đợt mưa bão lần này, bởi đến chiều 1-10, toàn bộ thôn Kén, xã Tượng Sơn vẫn bị bao quanh bởi những cánh đồng nước trắng băng. Ở các địa phương khác trong huyện, đến chiều cùng ngày, xã Tế Nông còn 4 hộ, xã Vạn Thiện 10 hộ, xã Minh Nghĩa 1 hộ và xã Thăng Bình còn 22 hộ vẫn ngập nước ngang và trên nền nhà.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Nhiều thiệt hại sau đợt mưa lớn

Lượng mưa không quá lớn nhưng kéo dài nhiều ngày khiến khu vực miền núi của tỉnh thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi và các công trình. Huyện Như Thanh có 11 con lợn, 450 con gà bị chết do ngập nước, hơn 24 ha lúa, hoa màu bị hư hại và ảnh hưởng nặng tới năng suất. Khoảng 30 m kênh mương nội đồng ở xã Yên Thọ, 400 m đường giao thông nội thôn và 50 m kè đường ở xã Yên Lạc bị hư hỏng… Tại xã Vân Am (Ngọc Lặc), hơn 2 ha lúa bị ngập, nhiều diện tích ngô bị đổ gãy.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Đến chiều 1-10, trong các khu dân cư thôn Kén, xã Tượng Sơn (Nông Cống) vẫn còn ngập.

Ngoài tình trạng ngập lụt và sạt lở nhẹ các công trình giao thông và thủy lợi, huyện Thường Xuân có gần 6 ha lúa ở xã Luận Khê bị ngập ảnh hưởng năng suất. Tại huyện Như Xuân, đợt mưa lớn đã làm 2 ngôi nhà đơn sơ bị sập và hỏng mái, hơn 10 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, gần 9,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, khoảng 50 m3 đường giao thông từ thị trấn đi xã Tân Bình bị sạt lở.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện ven biển trước nguy cơ tràn bờ.

Thạch Thành là địa phương có nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ với 670 con gia cầm ở xã Thành Minh bị chết, hơn 3,1 ha nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Kim Tân và xã Thành Tân bị ngập. Nhiều loại cây trồng của huyện bị ngập úng ảnh hưởng hoặc hư hại, trong đó có 85,5 ha mía, hơn 112 ha lúa, 6,2 ha ngô và 8,2 ha các loại cây trồng khác.

Bị ngập nặng bởi mực nước sông Thị Long và sông Yên qua địa bàn đồng loạt dâng cao bất thường, huyện Nông Cống có gần 46 ha lúa tại các xã Tế Nông, Tế Lợi, Vạn Thiện, Trường Sơn, Tượng Sơn và thị trấn Nông Cống. Cùng với đó, nhiều xã trong huyện bị ảnh hưởng diện tích rau màu như các xã: Tế Nông 5ha, Minh Khôi 6ha, Vạn Thiện 7ha, Vạn Hoà 2,5ha, Vạn Thắng 31ha, Thăng Long 3ha, Thăng Thọ 4ha, Thăng Bình 0,77 ha, Công Liêm 72,6ha, Trường Trung 27ha, Trường Sơn 3ha, Tượng Văn 20ha, Tượng Lĩnh 4,5 ha và thị trấn Nông Cống 11 ha. Gần 8 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã Tế Lợi, Vạn Thiện, Trường Giang, Tượng Lĩnh, thị trấn Nông Cống bị ngập tràn cuốn trôi thủy sản.

Đợt mưa diện rộng kéo dài gây hệ lụy nhiều nơi

Thị xã Nghi Sơn cũng có 35 ha lúa bị ngập làm ảnh hưởng năng suất, trong đó phường Ninh Hải 30ha, xã Tùng Lâm 5ha. Huyện Thọ Xuân có 19,5 ha hoa màu ở xã Trường Xuân bị ngập úng, hư hại; 1 ha ngô ở xã Phú Xuân bị ảnh hưởng. Huyện Hà Trung có hơn 70 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn, 20 ha dưa chuột bị ngập úng.

Trên các tuyến giao thông, xuất hiện 3 vị trí sạt taluy âm với tổng chiều dài 26m trên đường Tỉnh 521D và 530B. Trên taluy dương, các tuyến đường tỉnh cũng xuất hiện 14 vị trí sạt lở thuộc đường Tỉnh 520C (5 vị trí), 520D (5 vị trí), đường tuần tra biên giới (4 vị trí) với tổng khối lượng sạt khoảng 700m3.

Về công trình thủy lợi đê điều, cống Bồng Thôn trên đê tả sông Mã thuộc xã Minh tân (Vĩnh Lộc) bị hư hỏng, kéo theo sạt 56 m mái kênh dẫn hạ lưu phía sông.

Trước tình trạng thiệt hại và diễn biến của đợt mưa vẫn còn phức tạp, đầu giờ chiều 1-10, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 11 yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa, chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả đợt mưa bão.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết