“Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”, đó là những lời hay, ý đẹp được người đời ca tụng khi nói về đền Sòng Sơn nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Đây cũng là một trong những điểm du xuân thu hút đông du khách tham quan. Để có mùa lễ hội an toàn, Ban quản lý đã phối hợp với các lực lượng liên quan sớm chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Ông Tống Văn Cương, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích Đền Sòng cho biết: Từ ngày 22 đến 25-1 (tức mùng 1 đến mùng 4 Tết Nguyên đán), đền Sòng đón gần 4.000 lượt khách, cao hơn khoảng 50% so với ngày thường. Với số lượng lớn du khách trong những ngày đầu xuân, Ban quản lý di tích đã phối hợp với chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban quản lý, tăng cường công tác bảo vệ. Đồng thời tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh nhắc nhở du khách không thắp hương trong đền, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Đến thời điểm hiện tại, công tác an ninh trật tự, an toàn lễ hội được đảm bảo…
Đi lễ chùa trong những ngày đầu năm được nhiều người dân duy trì như là cách gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.
TP Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, với 25 di tích cấp quốc gia và 73 di tích cấp tỉnh. Trong những ngày năm mới, ghi nhận tại nhiều khu, điểm di tích tâm linh đã thu hút đông đảo du khách thập phương, như: Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Đền thờ các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ (Khu Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng); chùa Thanh Hà, chùa Mật Đa, phủ Bà... Chị Đặng Thị Phương (TP Thanh Hóa) cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi và những người thân trong gia đình thường đi lễ chùa để vãn cảnh và cầu mong cho gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa. Cùng với việc được hòa mình trong không gian linh thiêng, tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn, đi lễ chùa đầu năm còn giúp cho mỗi người thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Chùa Thái Bình được xây dựng dưới chân núi Bằng Trình, còn gọi là núi Thái Bình (tên nôm gọi là núi Trịnh).
Núi Bằng Trình, chùa Thái Bình ở xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bàn A Sơn nổi tiếng của xứ Thanh và cả nước. Chùa Thái Bình linh thiêng, núi Bằng Trình là ngọn núi đá có hình thù và màu sắc rất đẹp nổi lên ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã, sông Chu, tạo nên cảnh sắc hiếm có. Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm, chùa đã có rất đông người dân và du khách đến vãn cảnh, chiêm bái, nguyện cầu những điều may mắn, bình an, hạnh phúc.
Người dân đi lễ tại chùa Thái Bình, xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa).
Sư thầy Thích Nữ Đàm Nhân, Trụ trì chùa Thái Bình cho biết: Cùng với việc đảm bảo vệ sinh trong chùa sạch sẽ, ban quản lý chùa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để Nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung; giữ yên tĩnh nơi tôn nghiêm; nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động tự do tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo; không đặt tiền, cắm hương ở gốc cây, bỏ rác vào thùng và nơi quy định…
Du khách nô nức đến Phủ Na cầu may mắn.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa. Để đảm bảo cho du khách đến tham quan được an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán, các địa phương đã chỉ đạo ban quản lý thực hiện nhiều biện pháp thiết thực trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng mùa lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm…