Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 68 tàu cá với 69 vụ vi phạm IUU. Hàng nghìn lượt tàu cá khác vẫn vi phạm các quy định, phổ biến là: Vượt ra vùng biển nước ngoài khai thác khiến nhiều ngư dân và phương tiện đã bị nước bạn bắt giữ; mất tín hiệu giám sát hành trình hơn 10 ngày trên biển; việc ghi nhật ký và thống kê sản lượng khai thác ở nhiều tỉnh còn chiếu lệ, thực hiện chưa nghiêm… Tại nhiều địa phương, nhiều tàu vi phạm vẫn không bị xử phạt mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở; cùng một lỗi vi phạm, nhưng hình thức xử lý của mỗi tỉnh lại khác nhau. Do vi phạm IUU nên thời gian gần đây, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã bị EU rút “thẻ vàng” cảnh báo và hạn chế xuất khẩu sang thị trường châu Âu khiến giá trị sản phẩm giảm, ngư dân và các cơ sở chế biến chịu thiệt thòi, mất uy tín thương hiệu hàng hóa quốc gia trên trường quốc tế…
Các đại biểu tỉnh Thanh Hóa tại điểm cầu trực tuyến.
Qua nhiều cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước EC và các giải pháp ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ ngày 20 đến 28 – 10, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam để quyết định có hay không việc gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam. Thậm chí, nếu các vi phạm IUU vẫn tiếp diễn, EC có thể rút “thẻ đỏ” khiến hàng hải sản Việt Nam bị “đóng cửa” sang thị trường tiềm năng này.
Tại hội nghị, các đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển đã báo cáo tình hình vi phạm, việc triển khai các giải pháp, xử lý tình trạng vi phạm IUU những tháng qua. Các đại biểu cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp để ngăn chặn ngay các hình thức khai thác trái phép theo yêu cầu của EC trước mắt và lâu dài.
Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường đã khái quát tình hình chống vi phạm IUU tại Thanh Hóa thời gian qua. Hơn 9 tháng qua, tỉnh không có trường hợp tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; Thanh Hóa cũng là địa phương được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc gắn thiết bị hành trình cho tàu cá hiệu quả nhất cả nước.
Đại diện điểm cầu Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, hơn 9 tháng năm 2022, các đơn vị liên quan của Sở NN&PTNT và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức 39 chuyến kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm với 98 tàu cá công suất lớn với tổng số tiền hơn 564 triệu đồng. Hiện các đơn vị liên quan đã lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để gửi Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và các đơn vị liên quan trong tỉnh để phối hợp theo dõi. Trong tuyên truyền, ngoài phối hợp với Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị đã treo 35 băng rôn tại các cảng cá, in và phát 25.000 tờ rơi về các quy định khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chống vi phạm IUU, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho 85 cán bộ và ngư dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Hiện, tỉnh Thanh Hóa cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để chống vi phạm IUU do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang làm trưởng đoàn. Đoàn đã đi kiểm tra trực tiếp tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ chống IUU và chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và sẵn sàng các điều kiện nếu Đoàn Thanh tra EC đến Thanh Hóa.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bộ NN&PTNT (ảnh chụp màn hình).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định và nêu rõ tác hại của khai thác hải sản vi phạm IUU; yêu cầu các tỉnh phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổng cục Thủy sản sớm tổng hợp lại những vi phạm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư. Đồng chí yêu cầu từng bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai cấp bách từng nhóm giải pháp liên quan đến ngành, địa phương mình phụ trách; tất cả phải nỗ lực để giải quyết triệt để các hình thức khai thác hải sản vi phạm IUU. Từng địa phương phải chuẩn bị sẵn hồ sơ, triển khai các điều kiện thuận lợi nếu Đoàn Thanh tra EC chọn kiểm tra ngẫu nhiên.