Toàn cảnh buổi giám sát.
Tiếp và làm việc tại buổi giám sát có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa.
Các thành viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh tại buổi giám sát.
Khu vực miền núi Thanh Hóa gồm 11 huyện với 163 xã, 1.330 thôn, bản. Trong tổng số 163 xã XDNTM, có tới 76 xã, 613 thôn/bản, trong đó còn 6 huyện nghèo đang thực hiện chính sách 30a của Chính phủ. Đây là khu vực rộng lớn với gần 8.000 km2, dân số hơn 1 triệu người, trong đó hơn 700.000 người thuộc đồng bào các dân tộc ít người như: Dao, Mông, Mường, Thổ, Thái, Khơ Mú.
Các thành viên đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
Giai đoạn 2018-2021, tổng nguồn lực huy động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất trên địa bàn 11 huyện miền núi đạt hơn 7.487 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.480 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn khác.
Thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Tính đến 31-12-2021, tại 11 huyện miền núi có 54/163 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã; 635 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Quá trình XDNTM đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền núi, người dân đã có ý thức vươn lên để tự thoát nghèo. Tuy nhiên do vị trí địa hình chia cắt, xuất phát điểm thấp, việc huy động nguồn lực và cơ chế lồng ghép vốn giữa các chương trình chưa hiệu quả, chính quyền cơ sở một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các tiêu chí…
Đồng chí Cao văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh phát biểu.
Kết quả XDNTM của một số huyện miền núi còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh và còn khoảng cách khá lớn giữa các vùng. Hiện tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 73,3%, của vùng đồng bằng đạt trên 90%, trong khi khu vực miền núi của tỉnh chỉ đạt trên 33%. Việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP khu vực miền núi cũng còn nhiều hạn chế.
Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh giải trình nhiều vấn đề liên quan tại buổi giám sát.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh; đồng thời đề nghị đơn vị tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại buổi giám sát. Qua thực tiễn, đồng chí nhấn mạnh, giai đoạn 2018-2021 Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách XDNTM miền núi một cách đồng bộ và kịp thời, tạo được khuôn khổ pháp lý và cơ sở thực hiện trên thực tiễn. Trong đó, đơn vị đã tham mưu tốt việc lồng ghép các nguồn vốn cho XDNTM miền núi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhiều vùng quê miền núi trù phú, xanh - sạch - đẹp.
Trên cơ sở phân tích những điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc, như: Thiên tai, địa hình chia cắt, trình độ dân trí và phương thức sản xuất còn thấp, thiếu vốn đầu tư…, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng chỉ ra nhiều băn khoăn, trăn trở, trong đó có huyện Mường Lát còn “trắng” xã đạt chuẩn NTM, toàn khu vực miền núi còn tới 60 xã dưới 15 tiêu chí NTM….
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh kết luận tại buổi giám sát.
Để XDNTM khu vực miền núi hiệu quả hơn, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cần rà soát và đánh giá toàn diện kết quả, mục tiêu và làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Các đơn vị cần đánh giá rõ hơn vai trò của chủ thể người dân trong giai đoạn vừa qua, phân tích thêm tiềm năng và lợi thế riêng của từng vùng, kiểm tra cụ thể mức độ đạt của các tiêu chí ở các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn NTM… Qua đó, đề xuất phương án, giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch, lộ trình XDNTM tại 11 huyện miền núi giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi, 60% thôn, bản thuộc các xã khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM.