Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam cùng các thành viên trong đoàn giám sát kiểm tra thực tế một số mô hình sản xuất trên địa bàn xã Mậu Lâm (Như Thanh).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam cùng các thành viên trong đoàn kiểm tra thực tế một số công trình hồ đập trên địa bàn xã Mậu Lâm.
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Như Thanh, Đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực tế một số mô hình sản xuất, các công trình hồ đập trên địa bàn xã Mậu Lâm (Như Thanh).
Toàn cảnh buổi giám sát.
Theo báo cáo, trong 2 năm thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ban ngành cấp tỉnh, công tác phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn huyện Như Thanh đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Các đại biểu tham gia buổi giám sát.
Công tác triển khai tổ chức thực hiện chương trình luôn chủ động, đạt tiến độ, hiệu quả; tình hình đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dần ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 16,4%. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 6.225 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,29 triệu đồng…
Đại diện lãnh đạo huyện Như Thanh phát biểu tại buổi giám sát.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng đồng bào DTTS có nhiều tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được tăng cường; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Thành viên Đoàn giám sát tham gia phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Như Thanh còn những tồn tại, hạn chế đó là: Mặc dù các địa phương vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư, hỗ trợ nhiều để tăng cường hạ tầng cơ sở, giải quyết việc làm, nhưng kinh tế - xã hội vẫn chuyển biến chậm, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; chất lượng giáo dục còn thấp so với mặt bằng chung của huyện.
Một số dự án triển khai xong nhưng chưa đánh giá được hiệu quả, cần phải có thời gian, như dự án về bình đẳng giới, nâng cao tầm vóc, thể trạng của người DTTS. Một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không mạnh dạn, chịu khó lao động sản xuất…
Đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát.
Sau ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận buổi giám sát, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cáo những kết quả mà huyện Như Thanh đã đạt được trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế.
Đồng chí đề nghị huyện Như Thanh cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số 624-QĐ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 278/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 với tinh thần thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển. Rà soát lại tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Lãnh đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về dân tộc và chăm lo đời sống, kinh tế, văn hóa vùng DTTS và miền núi phù hợp với điều kiện và thực tiễn của từng địa phương.
Xây dựng và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện chương trình, nhằm phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, khuyết điểm, sai sót. Hàng năm sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình, khuyến khích, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, dẫn đến sai sót trong thực hiện.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước một cách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng DTTS và miền núi. Tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào vùng DTTS vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền trong huyện...