Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Sáng 14-9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Dự thảo Quy định gồm 4 chương, 9 điều về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá cán bộ, trong quy hoạch cán bộ; xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Trong đó, phạm vi điều chỉnh của Quy định này quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ gồm: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quản lý cán bộ gồm: tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, tạm đình chỉ, đình chỉ và cho thôi chức vụ đối với cán bộ.
Đối tượng điều chỉnh người đứng đầu theo Quy định này bao gồm toàn bộ các chức danh, chức vụ đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các tổ chức, cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, lực lượng vũ trang có quy định riêng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Nguyên tắc chung của dự thảo Quy định nhằm bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ. Phải công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, đi đôi với khuyến khích, bảo vệ, phát huy tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp...
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều đánh giá dự thảo Quy định được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo. Các ý kiến cũng đã nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cần nghiên cứu chỉnh sửa, đáp ứng các điều kiện công tác cán bộ trong tình hình mới.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Quy định.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: Tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao về sự cần thiết ban hành Quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Ban Tổ chức Trung ương đối với dự thảo, rất công phu và khái quát được những vấn đề, yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác cán bộ.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý vào dự thảo Quy định.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đã cho ý kiến về tên gọi của dự thảo Quy định; đồng thời cho rằng tên gọi của dự thảo với nội hàm của dự thảo không khớp nhau. Vì vậy, đề nghị tên gọi dự thảo nên quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đề xuất, giới thiệu cán bộ, ứng cử, bầu cử.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu trong quản lý cán bộ. Bởi lẽ công tác cán bộ bao gồm đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; thì nó là một trong 8 nội dung trong công tác quản lý cán bộ quy định tại Điều 4 Quy định 80/QĐ-TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nếu chia 2 vấn đề nêu trên là chưa phù hợp với quy định hiện hành tại Điều 4 Quy định 80/QĐ-TW của Bộ Chính trị về công tác quản lý cán bộ. Do đó phạm vi điều chỉnh cần phải được cân nhắc lại cho phù hợp.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần xem xét lại nội dung của Điều 3 nguyên tắc chung đối với người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới khi cán bộ do mình trực tiếp đề xuất, giới thiệu theo Quy định này bị vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật liên quan đến chức trách nhiệm vụ công tác được giao kể cả khi người đứng đầu đã chuyển công tác, hoặc nghỉ hưu. Theo đó, nội dung này đề nghị cần xem xét lại theo hướng, người đứng đầu chỉ phải chịu trách nhiệm nếu giới thiệu cán bộ để bổ nhiệm mà tại thời điểm đó không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, yếu về năng lực, phẩm chất đạo đức kém mà cố tình giới thiệu thì phải chịu trách nhiệm; còn nếu tại thời điểm giới thiệu người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn, sau khi nhận thức điều hành, xử lý công việc mà cố ý làm sai, vi phạm pháp luật thì không bắt buộc người giới thiệu chịu trách nhiệm.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Về phần Chương II: Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng đây là nội dung chính của dự thảo, song 4 điều của Chương này chưa đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của thực tiễn. Vì nội dung, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, quản lý cán bộ còn rất chung chung chưa rõ so với Quy định 80/QĐ-TW của Bộ Chính trị và các văn bản hiện hành về quy hoạch cán bộ. Do đó, trong Chương này đề nghị cần cân nhắc về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ và bổ nhiệm cán bộ...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đánh giá cao các ý kiến phát biểu thảo luận của các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương đã phân tích làm rõ những nội dung trong dự thảo Quy định. Đồng chí cũng đánh giá cao các ý kiến thảo luận đã phân tích khá cụ thể những vấn đề liên quan công tác cán bộ và bổ nhiệm, chỉ rõ những vấn đề hạn chế, bất cập. Những ý kiến đề xuất kiến nghị của các tỉnh, thành phố rất sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị tổ biên tập, các cục, vụ của Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các địa phương để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quy định trình tập thể lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định.