Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương); Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc BHXH tỉnh.
BHYT là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Theo đó, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã tích cực triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của chính sách BHYT và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả phí khám chữa bệnh. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 100 đến 105 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT.
Đồng chí Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo.
Tại Thanh Hóa, những năm qua tỉnh luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ người tham gia BHYT; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi tầng lớp nhân dân tham gia BHYT thông qua nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng; báo chí, phương tiện truyền thông; tại các chợ, cụm dân cư,… Nhờ đó, nhận thức của người dân về việc tham gia BHYT nâng lên rõ rệt. Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có hơn 3,2 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 88.000 người so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 85%...
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT vẫn còn những hạn chế đó là: một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa quan tâm thỏa đáng đến chính sách BHYT; nội dung tuyên truyền và kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế nhất định. Mặt khác, không ít người dân có tâm lý chủ quan, lúc nào ốm đau mới quan tâm mua thẻ BHYT...
Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT. Từ đó, thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng để người dân nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHYT, từ đó tích cực, tự giác tham gia để được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ một cách tốt nhất; đồng thời hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.