Các đại biểu dự hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Thiệu Hóa.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến. Để tôn vinh vai trò và công lao của các anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử thu hút đông các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở Trung ương và địa phương.
Tiếp nối thành công của các hội thảo đó, được sự thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký". Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Tiết mục văn nghệ tại hội thảo.
Trong chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam lưu danh hơn 200 người con của Thanh Hoá thi đỗ tiến sĩ, trong đó Bảng nhãn Lê Văn Hưu là một trong số những nhân vật tiêu biểu. Ông là nhà sử học, người thầy, nhà quân sự, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XIII - XIV.
Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. 18 tuổi Lê Văn Hưu thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần lấy khôi nguyên.
Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có lòng yêu thương dân chúng và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.
Phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước và cống hiến cho quê hương của Bãng nhãn Lê Văn Hưu, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đây là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để Thanh Hoá tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu sớm đưa Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của đất nước.
Toàn cảnh hội thảo
Trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã dầy công nghiên cứu, tập hợp tư liệu về Bảng nhãn Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký; sự phối hợp đầy trách nhiệm của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc chuẩn bị nội dung, triển khai tổ chức Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cũng bày tỏ mong muốn thông qua những tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo sẽ làm phong phú, sâu sắc thêm những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nhà sử học Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký đối với quê hương, đất nước.
Đây sẽ là những nguồn tư liệu lịch sử hết sức quý báu và là tài liệu quan trọng để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ hội nhập và phát triển.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam báo cáo đề dẫn hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: Vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XIII, sau khi Đế chế Nguyên thành lập, nguy cơ phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô đã trở thành hiện hữu. Để có thể huy động được sức mạnh của cả nước, của toàn dân trước cuộc chiến mất còn này, hoàng đế Trần Thánh Tông đã quyết định giao cho Bảng nhãn Lê Văn Hưu, người làng Kẻ Rỵ (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chủ trì biên soạn Quốc sử.
Đến mùa xuân, tháng Giêng năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (năm 1272), Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc Sử Viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển dâng lên nhà vua. Hoàng đế Trần Thánh Tông xuống chiếu khen ngợi.
Bộ Quốc sử Đại Việt sử ký ngay từ khi ra đời đã có những đóng góp xứng tầm vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền sử học Đại Việt - Việt Nam.
Năm 2022 vừa đúng 750 năm ra đời bộ Quốc sử và tròn 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” nhằm tôn vinh Tổ sư nghề viết sử Việt Nam Lê Văn Hưu. Đồng thời, qua đó tôn vinh nghề viết sử, khẳng định vai trò không thể thay thế của sử học trong các vương triều Trần, Lê, Nguyễn trước đây, cho đến Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 37 báo cáo khoa học có chất lượng chuyên môn cao (gồm Đại học Quốc gia Hà Nội 10 báo cáo; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam 10 báo cáo; tỉnh Thanh Hóa 8 báo cáo; Hội Sử học Việt Nam 7 báo cáo; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 báo cáo) của 42 tác giả (ở Hà Nội 24 tác giả, Thanh Hóa 12 tác giả, thành phố Hồ Chí Minh 5 tác giả và Thừa Thiên Huế 1 tác giả). Ban Tổ chức đã tổng hợp các báo cáo thành 3 nhóm vấn đề, gồm “Lê Văn Hưu: Thời đại, quê hương và hành trạng” (10 báo cáo); “Sự nghiệp sử học của Lê Văn Hưu” (15 báo cáo); “Di sản Lê Văn Hưu và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản” (12 báo cáo).
Đoàn Chủ tịch hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm làm rõ thêm nguồn gốc quê hương, thân thế, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu. Điển hình như nhà nghiên cứu Phạm Tấn với tham luận “Kẻ Rỵ (làng Phủ Lý) - quê hương của nhà sử học Lê văn Hưu - từ cội nguồn đến thế kỷ XIII”; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ với tham luận “Tiểu sử và sự nghiệp của Lê Văn Hưu”; PGS.TS Đào Tố Uyên với tham luận “Nhân cách sử học Lê Văn Hưu”…
Đồng thời thông qua quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm của các tác giả đã khẳng định giá trị, ý nghĩa của bộ Đại Việt sử ký và đóng góp to lớn của Lê Văn Hưu cho nền sử học Việt Nam. Điển hình như các tham luận: “Về ý thức hệ Nho giáo và tính khách quan trong bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu” của PGS.TS Nguyễn Minh Tường; “Bàn thêm về hệ giá trị của Lê Văn Hưu qua những lời bình trong Đại Việt sử ký toàn thư” của GS.TS Võ Văn Sen - Th.S Võ Phúc Toàn…
Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Các tham luận cô đọng, hàm súc của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học được đánh giá là phù hợp với yêu cầu, mục đích, ý nghĩa cũng như không khí, diễn biến của Hội thảo khoa học quốc gia.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội thảo, các vấn đề về tiểu sử, hành trạng của Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký dù vẫn tiếp tục phải đi sâu nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn nữa, nhưng theo yêu cầu của cuộc hội thảo lần này, những vấn đề kể trên cơ bản đã được giải quyết và thống nhất. Qua Hội thảo, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được nhiều hơn các ý kiến đóng góp cho mảng di sản và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lê Văn Hưu, nhằm làm căn cứ để hướng tới kỷ niệm 800 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa lớn Việt Nam, Tổ sư ngành sử Lê Văn Hưu vào năm 2030.