Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu.
Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm được tổ chức ngày 23-3 âm lịch, tức ngày 24-4-2022 với các chuỗi sự kiện quan trọng nhằm tri ân sâu sắc những công lao đóng góp của nhà sử học Lê Văn Hưu đối với dân tộc. Các chuỗi sự kiện gồm: kỷ niệm 700 năm ngày mất và khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung; Hội thảo khoa học về nhà sử học Lê Văn Hưu; Triển lãm giới thiệu hình ảnh tư liệu lịch sử, các ấn phẩm sách báo và sản phẩm đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông, quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu; Cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp nhà sử học Lê Văn Hưu.
Đến thời điểm này, các chuỗi sự kiện trên đã và đang tiếp tục được Ban chỉ đạo tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất và khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu; Ban Quản lý Dự án tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng, nhà thầu thi công khẩn trương thực hiện đúng tiến độ, khoa học các công trình, phần việc để lễ kỷ niệm được tổ chức thành công, tạo được dấu ấn.
Để lan tỏa sự kiện trọng đại và tri ân sâu sắc công lao to lớn của nhà sử học Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức cuộc thi với hình thức tự luận “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp nhà sử học Lê Văn Hưu”. Cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tham gia.
Đồ họa các gian hàng trưng bày tại Lễ kỷ niệm.
Song song với đó, công tác chuẩn bị cho tổ chức trưng bày sản phẩm đồ đồng của làng Trà Đông; sưu tầm, trưng bày các tư liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp, vị thế, vai trò của nhà sử học Lê Văn Hưu cũng đang được các đơn vị trong huyện tích cực thực hiện với số lượng 38 gian hàng. Trong đó, xã Thiệu Trung - quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu tham gia 10 gian hàng. Đồng chí Trần Trọng Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: Là quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu, đảng ủy xã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp nhà sử học Lê Văn Hưu sâu rộng trong Nhân dân và chủ động tham gia cùng với huyện và Ban Quản lý Dự án tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu; tham gia 10 gian hàng cùng với các gian hàng của huyện, trong đó có 9 gian hàng của 9 hộ làng nghề đúc đồng truyền thống và 1 gian hàng của xã trưng bày quá trình phát triển và thành tựu về mọi mặt của xã. Xã đã giao lực lượng an ninh chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau sự kiện. Cùng với đó, xã tiếp tục nâng cấp đường giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, chỉnh trang nhà ở dân cư, quy hoạch lại vườn hộ... tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trong dịp lễ kỷ niệm và sớm hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.
Được biết xã Thiệu Trung cũng đã đấu mối với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các công ty lữ hành để kết nối điểm du lịch Thiệu Trung với các điểm du lịch trong tỉnh để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh, quảng bá các di tích lịch sử, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch địa phương.
Người dân địa phương cũng mong muốn công tác tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch, bảo đảm theo quy định để khi Đền thờ Lê Văn Hưu khánh thành sẽ trở thành một trọng điểm du lịch hấp dẫn trên vùng đất có bề dày lịch sử này.
Đến nay, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội thảo khoa học về nhà sử học Lê Văn Hưu (vào ngày 22-3 âm lịch) và công tác tuyên truyền đang được Thường trực Huyện ủy, ban chỉ đạo tổ chức lễ kỷ niệm chú trọng và xây dựng kịch bản, kế hoạch tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ. Công tác tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức trên các kênh thông tin, tuyên truyền trực quan tại các tuyến đường chính của huyện, xã và Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu và tuyên truyền cao điểm từ ngày 15-4 đến hết ngày 25-4-2022 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu.
Lê Hà