Phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Đồng chí Nguyễn Văn Khuyên, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của TAND tối cao về công tác xét xử, giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng. Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh còn chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các án kinh tế, tham nhũng đều có kế hoạch đưa ra xét xử sớm, được sự đồng tình cao của dư luận xã hội và Nhân dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, TAND hai cấp đã thụ lý 13 vụ án, 42 bị cáo liên quan đến tham nhũng, vi phạm về kinh tế có tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Trong đó, đã xét xử 10 vụ; các vụ án còn lại đang trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Các bản án, quyết định đã tuyên đảm bảo đúng pháp luật, công bằng, nghiêm khắc, đã răn đe, trấn áp được tội phạm tham nhũng, kinh tế và các loại tội phạm khác, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, các quy định của pháp luật đối với các tội phạm về kinh tế, tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung nhưng còn nhiều tồn tại, bất cập. Các hướng dẫn của cơ quan tư pháp chưa đầy đủ, kịp thời. Còn nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn và nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau nên việc áp dụng pháp luật thiếu tính thống nhất. Việc cung cấp thông tin, trao đổi thông tin qua lại về vụ án giữa các ngành tư pháp; cũng như từ các cơ quan thanh tra, ngân hàng, kiểm toán, thuế, hải quan đến cơ quan điều tra chưa kịp thời, còn hạn chế. Ngoài ra, việc xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng cũng có những vướng mắc, nhất là một trong các vụ án liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... Do các công trình thi công trong nhiều năm, chưa quyết toán, dẫn đến không thực hiện giám định được. Đây cũng chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua. Công tác thu hồi tài sản do tội phạm kinh tế, tham nhũng gây ra cũng có vướng mắc. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 128 và Khoản 3 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ kê biên phần tài sản hay phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản từ giai đoạn điều tra thì việc xác định phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại là rất khó khăn, vì hoạt động điều tra ban đầu chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại để có thể áp dụng việc kê biên, phong tỏa tài sản đúng quy định. Khi đến giai đoạn xét xử thường bị cáo không còn tài sản nên không thu hồi được...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Khuyên, Phó Chánh án TAND tỉnh, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án tham nhũng, kinh tế đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng TAND hai cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng nói riêng. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ thẩm phán và các chức danh tư pháp. Các đơn vị trong TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản liên quan trực tiếp đến tội phạm nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố; phối hợp hiệu quả, kịp thời trong việc truy tìm, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản nhằm ngăn chặn hành vi khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật, trong áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin các phiên tòa hình sự về tham nhũng nhằm thu hút sự quan tâm của người dân về hoạt động xét xử của tòa án, từ đó phát huy vai trò giám sát, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng...
Bài và ảnh: Quốc Hương