Lần theo những câu chuyện về ngôi cổ tự, chúng tôi đã có cuộc hành hương về đây để chiêm bái, khám phá chùa Am Các. Theo lời kể của người dân nơi đây, cách đây chừng 8 năm, toàn bộ quần thể chùa Am Các là vùng đất hoang sơ, cây dại mọc đầy nơi, đường lên chùa vòng vèo, độ dốc lớn. Ở ngay khu đất bằng phẳng rộng mấy ngàn mét vuông trên sườn núi - nơi có một ngôi chùa cổ (chùa Hạ) đã từng toạ lạc nhiều thế kỷ chỉ là nơi cây dại mọc, nền móng cũ và các di vật (bia ký, chân tảng, tượng pháp…) dồn đống phía trước chùa.
Cho đến năm 2014, sư thầy Thích Nguyên Đại về đây coi sóc, bằng ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó, sư thầy đã huy động mọi nguồn lực để tu tạo, phục hồi chùa Am Các trở thành một quần thể di tích thắng cảnh mang đầy dấu ấn ở vùng đất đại ngàn Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Giữa chốn rừng núi tĩnh mịch hiện ra một không gian rộng lớn, địa thế bằng phẳng, mang đến cho du khách một cảm giác thanh tịnh, thư thái.
Với địa thế được chia thành 3 cấp rõ rệt: Thượng - Trung - Hạ. Theo ý nghĩa biểu pháp bên trong của giáo lý Phật Đà, điều này thể hiện cấp độ tu hành (thượng căn - trung căn - hạ căn) và sự chứng nhiệm chân lý của từng cấp độ khác nhau, mang đến giá trị lớn lao cho ngôi chùa cổ.
Cho đến nay, chưa tìm thấy bất cứ nguồn tài liệu nào ghi chép một cách chính xác sự ra đời của chùa Am Các. Song, dấu vết của công trình cùng những di vật còn lại đến ngày hôm nay là một bằng chứng hiển nhiên, là sự khẳng định về lịch sử phát triển của chùa Am Các trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Với những giá trị nổi bật, chùa Am Các cần tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo phát triển trở thành điểm dừng chân lý tưởng, một địa điểm có vị thế quan trọng về tâm linh nằm trong quần thể thiên nhiên đặc sắc và thơ mộng ở vùng đất phía Nam Thanh Hóa.