Ảnh minh họa.
Những lực lượng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán lâu nay được ví như là “thanh bảo kiếm” và “lá chắn” góp phần giữ vững quy định của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, trong sạch của đội ngũ cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trước nạn giặc nội xâm.
Tuy nhiên, khi được trao quyền lớn nhưng nếu không đủ chế tài răn đe, ngăn ngừa, thì cũng rất dễ phát sinh vi phạm lớn. Thực tế là, trong thời gian qua đã có một bộ phận cán bộ trong những lực lượng này vi phạm pháp luật, trở thành chính người tham nhũng, nhận hối lộ. Ngay tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ vài năm trước, 5 cán bộ thuộc Thanh tra tỉnh đã bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ của đơn vị bị thanh tra.
Vụ việc dù được phát hiện, xử lý kịp thời, nhưng cũng làm xói mòn ít nhiều niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng đòi hỏi phải nâng cao hơn phẩm chất, trách nhiệm, mức độ tuân thủ pháp luật của những lực lượng thực thi trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có những cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW là rất kịp thời và cũng không ngoài mục đích góp phần làm trong sạch hơn những cán bộ trong các lực lượng này, giúp ngăn ngừa, cảnh báo họ biết giữ mình hơn, như gương đã sáng càng phải lau chùi để sáng hơn.
Theo đó, tại Quy định số 131-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã đề ra 21 hành vi rất cụ thể phải tránh, gồm từ vi phạm nhỏ đến hành vi rất nguy hại, cán bộ cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán không được phép vướng vào. Có thể kể ra như là chỉ cần tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra cũng bị xếp vào hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vậy nên, đừng nghĩ rằng cứ nhận tiền, nhận quà của đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc gây sức ép với đối tượng để có lợi cho mình mới là vi phạm.
Quy định này vì thế đặt ra và đòi hỏi những cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán phải nâng cao bản lĩnh, đề cao cảnh giác mọi lúc, mọi nơi trước sự đề nghị, mời mọc dù là nhỏ nhất. Chỉ có như vậy cán bộ khi thực thi nhiệm vụ mới giữ được sự trong sáng, không bị lệ thuộc, không bị khống chế, quyết định đưa ra mới công tâm, khách quan được.
Sau nhiều quy định và những biện pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị có thể xem là một công cụ hữu hiệu góp phần vào việc giữ sự nghiêm minh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa và thêm khẳng định chằng có “vùng cấm” nào hết, kể cả những người trong tay có ‘thượng phương bảo kiếm” đi chăng nữa, một khi vi phạm cũng đều bị xử lý.
Tuệ Minh