Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, lãnh đạo các ban, sở, ngành, huyện Thiệu Hóa dự buổi lễ.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ kỷ niệm; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung; đại diện dòng họ Lê xã Thiệu Trung cùng đông đảo Nhân dân và du khách.
Toàn cảnh buổi lễ.
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cắt băng khánh thành và dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu.
Diễn văn lễ kỷ niệm do đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày, nhấn mạnh: Tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, suy đến cùng được bồi tụ từ sự xuất hiện và khẳng định tên tuổi, tài năng, đức độ của những người là nguyên khí của quốc gia. Trong đó, bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hoá Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hoá giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng, Lê Trạc Tú… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
Cũng chính cội nguồn truyền thống ấy đã và đang trở thành điểm tựa để Thanh Hoá đổi mới và phát triển. Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hoá - quê hương của danh nhân Lê Văn Hưu, mà còn trên phạm vi cả nước.
Lê Văn Hưu sinh năm 1230 ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, có rất nhiều giai thoại bộc lộ tư chất hơn người của ông. Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm1247) đời vua Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị Tam khôi. Lê Văn Hưu được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.
Trong thời kỳ làm quan, Lê Văn Hưu được biết đến với học vấn uyên thâm, đức độ hơn người; được vào cung theo lệnh của của vua Trần Thái Tông, giảng sách cho hoàng tử Quang Khải - là bậc vương công toàn tài, không chỉ tinh thông võ nghệ, mà giỏi cả thi thư; sau này trở thành Thượng tướng quân, vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Những tấm bia đời sau ghi chép về Lê Văn Hưu đều xưng tụng là bậc thầy.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hoá, mà còn ở nhiều nơi trong cả nước.
Không chỉ là Bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII, XIV, mà quan trọng hơn cả, Lê Văn Hưu là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc.
Vâng lệnh của vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi, sơ sài của thời nhà Lý và cùng thời để biên soạn lại, hoàn thiện bộ quốc sử có tên “Đại Việt sử ký” từ Triệu Vũ Đế (năm 207 trước công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm1244) gồm 30 quyển, đã được vua Trần Thánh Tông hết sức khen ngợi. Tác phẩm “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu được đánh giá là bộ quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà.
Từ truyền thống học hành khoa cử và cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức của Thanh Hoá và của cả nước hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Tấm gương của danh nhân Lê Văn Hưu trong học tập, làm việc khoa học và trách nhiệm cần được tuyên tuyền rộng rãi hơn nữa. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, góp phần làm cho quê hương Thanh Hoá và đất nước ta ngày càng có nhiều bậc hiền tài, “nguyên khí” của nước nhà sẽ ngày một hưng thịnh, xây dựng quê hương, đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tại Lễ kỷ niệm.
Sau diễn văn kỷ niệm là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Lê Văn Hưu - Người khởi dựng quốc sử Việt Nam”, gồm 3 chương: “Địa linh sinh thành trang tuấn kiệt”; “Đại Việt sử ký mở đường cho quốc sử Việt Nam”; “Tiếp nối những trang sử vàng làm rạng danh dân tộc”.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, sử dụng đa dạng các chất liệu, thể loại nghệ thuật truyền thống, kết hợp linh hoạt với nghệ thuật hiện đại, mang lại những ấn tượng sâu sắc cho công chúng. Qua đó, tái hiện thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp to lớn của Danh nhân văn hóa - Bảng nhãn - Nhà sử học Lê Văn Hưu cho nền văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, nêu bật truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu nước, cách mạng; những đóng góp của tỉnh Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc cùng những thành tựu của huyện Thiệu Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đã đạt được trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.