Toàn cảnh điểm cầu phía Nam hầm Thung Thi, thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Tại điểm cầu phía Nam hầm Thung Thi, thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ khánh thành. Cùng tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các vụ, cục trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Các đại biểu Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình dự lễ khánh thành dự án.
Về phía đại biểu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện Ban Quản lý Dự án Thăng Long, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và Nhân dân địa phương.
Dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến 63,37 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong đó, chiều dài thi công đường là 57,32 km, chiều dài thi công cầu là 5,12 km, chiều dài thi công hầm là 0,93 km. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 49,02 km và qua địa phận tỉnh Ninh Bình có chiều dài 14,35 km. Quy mô giai đoạn 1 của dự án xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối (Km 337+478,11 trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải và được giao cho Ban Quản lý dự ánThăng Long là đại diện chủ đầu tư.
Dự án được khởi công tháng 9-2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành và được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 29-4 đối với đoạn tuyến từ đầu Dự án đến Km 327+780 (hết nút giao Đông Xuân) với chiều dài 53,67 km. Đối với đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối dự án hiện nay chưa có điểm kết nối (thông qua nút giao Vạn Thiện thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn) nên sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ khi đoạn tuyến cao tốc từ Quốc lộ 45 - Nghi Sơn hoàn thành (dự kiến trong tháng 8-2023).
Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến. Bên cạnh đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã khái quát quá trình đầu tư các dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, 2 dự án triển khai thi công vào giai đoạn 2020-2022 với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Ảnh hưởng của xung đột chính trị thế giới nên giá nhiên, nguyên vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, việc đồng loạt triển khai nhiều dự án với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp) làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khái quát quá trình thực hiện dự án.
Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xác định việc sớm hoàn thành các dự án thành phần cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.
Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10-9-2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ Giao thông Vận tải đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30-4-2023. Thực hiện phong trào thi đua do Bộ Giao thông Vận tải phát động, các Ban Quản lý dự án đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, huy động mọi nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, sự ủng hộ của Nhân dân vùng dự án, đến cuối tháng 4-2023, 2 dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến; đồng thời các chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục liên quan (hồ sơ hoàn thành công trình của các hạng mục, quy trình bảo trì, báo cáo thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác, phương án tổ chức giao thông…), làm việc với Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30-4-2023.
Sau khi đưa 2 dự án vào khai thác sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại lễ khánh thành, đại diện nhà thầu tư vấn thiết kế cho biết: Đơn vị đã tập trung các chuyên gia có kinh nghiệm lập dự án. Đồng thời, triển khai xử lý kịp thời các phát sinh. Từ thực tế tư vấn giám sát trên công trường dự án, nhà thầu cũng nêu nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thành thi công các dự án khác. Trong đó, chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ, kỷ luật, kỹ thuật thi công...
Thay mặt các nhà thầu thi công dự án - lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex bày tỏ: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ban ngành và các địa phương, các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ bị chậm do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan. Đặc biệt, trong đợt thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022”, các nhà thầu đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động tối đa nhân lực và hàng nghìn phương tiện nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 là dự án có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng. Tuyến đường đi vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Ninh Bình đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thông qua các nút giao liên thông, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội trên cả nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại lễ khánh thành.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, khối lượng ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng rất lớn nên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương, tập trung, quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến ngày 30-6-2021, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành, bàn giao toàn bộ mặt bằng 49,02 km dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 để nhà thầu triển khai thi công; đồng thời đến ngày 20-10-2021 hoàn thành, bàn giao 100% mặt bằng 2 dự án thành phần còn lại là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, vượt tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp phải một số khó khăn khách quan và chủ quan, tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt đã ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án tại Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo giải quyết kịp thời về nguồn cung cấp vật liệu và các khó khăn vướng mắc khác bảo đảm yêu cầu cho dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực, bố trí 7.512 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư một số dự án lớn quy mô từ 4-8 làn xe kết nối các tuyến đường trọng điểm của địa phương với dự án cao tốc thông qua các nút giao, như: Tuyến nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 và nút giao cao tốc Thiệu Giang; tuyến TP Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân và nút giao Đồng Thắng; tuyến nút giao Vạn Thiện với Vườn Quốc gia Bến En; tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1 đi cảng nước sâu Nghi Sơn.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án cao tốc, đến nay đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; các nhà thầu, đơn vị tư vấn; các sở, ban ngành, địa phương và đặc biệt là cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong vùng dự án đã hi sinh quyền lợi riêng, nhường đất cho dự án triển khai đúng tiến độ.
Tại điểm cầu Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành. Sự kiện càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp Kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Cao tốc, cảng biển, sân bay... được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này để tăng cường thông thương, tạo không gian phát triển mới, giúp hạ giá thành hàng hóa, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu, các địa phương có dự án đi qua. Quyết tâm của các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh COVID-19 và biến động giá cả bất thường. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương sự ủng hộ của bà con Nhân dân đã nhường đất canh tác, nhường nơi ở để triển khai dự án.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra nhiều bài học trong thi công, xây dựng cao tốc, sự phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương; việc huy động máy móc, áp dụng công nghệ mới; việc thưởng phạt khi nhà thầu vi phạm hoặc về trước tiến độ, bảo đảm chất lượng; việc phòng chống tiêu cực trong thi công và kết nối hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, nhà thầu cắt băng khánh thành Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hóa.
Để dự án đi vào vận hành hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, điều hành hiệu quả các đoạn cao tốc đã hoàn thành; các đoạn đường kết nối trong khu vực; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, quản lý các tuyến đường; phát huy tối đa lợi ích đường cao tốc mang lại bằng việc quy hoạch các khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư mới kết nối với cao tốc; các địa phương quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt có trách nhiệm hỗ trợ sinh kế cho người dân đã nhường đất cho dự án.
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu rút kinh nghiệm trong triển khai thi công, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí trong thực hiện các dự án về sau.