Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hoá, trong những năm qua, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng.
Trong khối đơn vị hành chính sự nghiệp, năm 2020 có 302 đơn vị chậm đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền là 4.708,85 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 4.284,38 triệu đồng; lãi chậm đóng là 424,47 triệu đồng); năm 2021 có 264 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền là 7.061,79 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 6.649,65 triệu đồng; lãi chậm đóng là 412,14 triệu đồng); năm 2022 có 280 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền là 7.359,34 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 6.783,57 triệu đồng; lãi chậm đóng là 575,77 triệu đồng).
Lãnh đạo BHXH tỉnh Thanh Hoá báo cáo thực trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến hết ngày 31-12-2022, một số đơn vị sự nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa (đơn vị tiếp nhận bàn giao số tiền chậm đóng của Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư TP Thanh Hóa vào tháng 8-2022); Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Đội bảo đảm giao thông Triệu Sơn…
Trong khối doanh nghiệp, năm 2020 có 1.965 đơn vị khối doanh nghiệp, HTX đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số lao động là 34.070 và số tiền chậm đóng là 316.788,49 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 237.115,86 triệu đồng; lãi chậm đóng là 79.662,63 triệu đồng); năm 2021, có 1.997 đơn vị khối doanh nghiệp, HTX đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số lao động là 35.743 và số tiền chậm đóng là 292.877,67 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 217.676,52 triệu đồng; lãi chậm đóng là 75.201,15 triệu đồng); năm 2022, có 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số lao động là 40.144 và số tiền chậm đóng là 314.181,66 triệu đồng (số tiền chậm đóng là 237.677,23 triệu đồng; lãi chậm đóng là 76.504,43 triệu đồng).
Đến hết ngày 31-12-2022, một số doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa; Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 4; Xí nghiệp Sông Đà; Công ty TNHH MTV JLG Vina; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone…
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, nhưng hiện tại lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được như: Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long còn 1 lao động, chậm đóng với số tiền 7,675 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng Hancorp.2 còn 2 lao động, chậm đóng với số tiền là 37,578 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 còn 1 lao động, chậm đóng với số tiền là 6,617 tỷ đồng; Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung còn 4 lao động, chậm đóng với số tiền là 1,292 tỷ đồng…
Nguyên nhân được chỉ ra đó là: Các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp chậm đóng do bộ phận có liên quan của các đơn vị chưa quan tâm nhiều đến việc trích nộp; các đơn vị được giao tự chủ về biên chế, tài chính không có dự án, không có nguồn thu, sử dụng biên chế chưa hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp, HTX, bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp giảm hoặc không có đơn hàng phải giảm lao động, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động… dẫn đến không có khả năng tham gia, trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, đồng thời do ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Theo quy định từ ngày 1-1-2016 cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn. BHXH tỉnh đã cung cấp số liệu chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tổ chức Công đoàn, tuy nhiên do còn những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý trong khởi kiện nên đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tổ chức Công đoàn vẫn chưa thực hiện khởi kiện được đơn vị nào. Tại các quy định, hướng dẫn hiện hành thì hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh trốn đóng BHXH dù đã bị xử lý hành chính nhiều lần. Do đó, mặc dù cơ quan BHXH chuyển hồ sơ một số đơn vị sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo điều 216 Bộ luật Hình sự, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên hiện tại chưa xem xét xử lý.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và lãnh đạo BHXH tỉnh Thanh Hoá đã thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị trong việc chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để nhanh chóng thu hồi số tiền nợ của các cơ quan, doanh nghiệp. Đoàn khảo sát đề nghị BHXH tỉnh hoàn chỉnh báo cáo, rà soát lại số liệu và gửi báo cáo để Đoàn khảo sát tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh phục vụ cho phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 4-2023.