- Kính thưa đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tổng cục, cục, vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
- Thưa toàn thể các đại biểu, các vị khách quý, thưa toàn thể Nhân dân!
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đất và người Thanh Hóa đã in dấu với những cống hiến to lớn trong nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, tiêu biểu trong số đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo chống ngoại xâm phương Bắc ở thế kỷ XV.
Hôm nay, trên vùng đất Lam Sơn lịch sử, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo, nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc; tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn (năm 1418 - năm 2022), 594 năm ngày vua Lê đăng quang (năm 1428 - năm 2022), 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi (năm 1433 - năm 2022) và kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2012 - năm 2022). Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc và tri ân công đức Thái tổ Cao Hoàng đế - Người đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cao cả của dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể Nhân dân và du khách tham dự buổi lễ trọng thể hôm nay lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể Nhân dân!
Lê Lợi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang đứng trước một thử thách hết sức nguy nan. Từ năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Vận mệnh Quốc gia cùng với nền văn hóa dân tộc, cuộc sống của Nhân dân đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho Nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Hội thề Lũng Nhai lịch sử, đã đặt cơ sở cho sự hình thành một tổ chức lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và là một bước chuẩn bị lực lượng tiến tới phát động khởi nghĩa. Mùa xuân năm Mậu Tuất (năm 1418), Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định vương, kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh quân xâm lược nhà Minh để cứu nước.
Trải qua 10 năm nếm mật nằm gai với bao đau thương mất mát, bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, luôn giành thế chủ động trên các chiến trường. Với chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, buộc giặc Minh phải ký Hội thề Đông Quan… Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã kết thúc và thắng lợi, đất nước sạch bóng ngoại bang xâm lược. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã tạo nên một trong những mốc son đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến. Người anh hùng có công đầu vì sự nghiệp vẻ vang ấy là Bình Định Vương Lê Lợi cùng với các tướng sĩ và đồng bào cả nước. Dân tộc ta nói chung, Thanh Hóa nói riêng rất tự hào đã sản sinh ra vị Anh hùng làm nên chiến công rạng rỡ cho dân tộc.
Sau khi giành được độc lập cho đất nước, ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thìn (năm 1428), tại Điện Kính Thiên của kinh thành Thăng Long, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, lập nên vương triều hậu Lê kéo dài hơn 360 năm lịch sử. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.
Nhìn lại toàn bộ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có thể thấy rõ tài năng lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Lê Lợi. Ông và bộ thống soái nghĩa quân đã vạch ra những sách lược tài tình, phù hợp từng giai đoạn thăng trầm của cuộc khởi nghĩa; để rồi từ đó kết thúc chiến tranh đúng thời cơ, mở đường hòa hiếu lâu dài. Trong 6 năm ở ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo dục và lựa chọn hiền tài, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi. Nhờ đó, nước Đại Việt ở thời hậu Lê đã trở nên thái bình, thịnh trị, Nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc.
Mặc dù hơn sáu thế kỷ đã trôi qua, nhưng những sách lược đúng đắn của Lê Lợi - lãnh tụ kiệt xuất của nghĩa quân Lam Sơn, vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa toàn thể Nhân dân!
Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu thế kỷ XV, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê. Di tích Lam Kinh bao gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà hậu Lê, là nơi an nghỉ của các Vua và Hoàng hậu, với hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Di tích Lam Kinh là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử của Lam Kinh được thể hiện như là một “bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với những giá trị nổi bật, 10 năm về trước, di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương; sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, di tích Lam Kinh đã được giành nguồn lực đầu tư lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị; nhiều hạng mục công trình tại di tích Lam Kinh được phục dựng như: các tòa thái miếu, Nghinh môn, Chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường thăm quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền thờ vua Lê Thái Tổ; đồng thời, xây dựng thêm các công trình tôn vinh, gắn việc bảo lưu giá trị nguyên gốc đi đôi với phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch tâm linh của quần thể di tích này. Cùng với nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tổ chức các loại hình dịch vụ nhằm có thêm nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, du khách.
Hôm nay, sau 594 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, giành lại độc lập dân tộc, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2022 và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, thể hiện sự tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ, nghĩa quân và Nhân dân trong cả nước đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, tự hào về di sản văn hóa được tôn vinh; đồng thời, được sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay góp sức của toàn thể Nhân dân, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong thời gian tới sẽ gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của đất và người Xứ Thanh đến với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể Nhân dân!
Phát huy hào khí Lam Sơn và tự hào là quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò là hậu phương lớn của cả nước trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tranh thủ thời cơ và vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Một lần nữa, kính chúc các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các quý vị đại biểu, cùng toàn thể Nhân dân và du khách dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn.