• :
  • :

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phản bác ý đồ quy chụp về “cái gốc” của tham nhũng

Có nhận định cho rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt hơn 90 năm qua, đặc biệt là những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đã khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Thế nhưng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị đang ra sức phá hoại, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Một trong số đó là hướng “mũi nhọn” xuyên tạc vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và đạt nhiều thành tựu hết sức quan trọng.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn kiên định đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, vẫn có không ít con mắt thiếu thiện chí, cố tình hiểu sai lệch, thậm chí là tỏ thái độ thù địch khi nhìn vào công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, khi soi vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cố tình đưa ra luận điệu rằng, nếu không giải quyết cái gốc của tham nhũng là “thể chế”, thì cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam sẽ đi vào “cửa tử” và không thể thành công. Song thực tế, luận điệu này là vô căn cứ, bởi thực tế cho thấy tham nhũng không phải là “đặc sản” của riêng của một quốc gia nào. Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, “tham nhũng được thừa nhận là một loại quyền lực được sinh ra trong lòng quyền lực Nhà nước, quyền lực chính trị. Và nó là một loại “quyền lực phản quyền lực”, chống lại những quy định của pháp luật để mưu lợi bất chính, bằng những thủ đoạn tinh vi, được ngụy trang rất khéo. Do đó, quyền lực chính trị càng lớn thì sự tiềm ẩn về tham nhũng, lạm quyền càng lớn, bất kể chế độ Nhà nước nào”.

Quan điểm này một lần nữa được người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”: Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Do đó, phải xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, trình độ quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện tạo nên nhiều “kẽ hở” để một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền lợi dụng. Do đó, tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là khó tránh khỏi và được Đảng ta chỉ rõ đây là một loại “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu. Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Vì thế, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền” là phiến diện, lộ rõ ý đồ quy chụp.

Đảng lãnh đạo công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực

Điều 4 Hiến pháp năm 2013, nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu. Song tính “tất yếu” này cũng không “bỗng dưng mà có”; ngược lại nó được bồi đắp và khẳng định qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt 93 năm qua, với vô vàn thách thức khắc nghiệt và thành tựu vẻ vang. Đặc biệt, tính “tất yếu” còn bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; và do đó, Nhân dân đã tin tưởng, ủng hộ và “trao quyền” để Đảng ta lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đương nhiên, trong sự “tất yếu” không bao hàm những “đặc quyền”, “ngoại lệ” - mầm mống nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Bởi lẽ “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời “chịu sự giám sát của Nhân dân”.

Song, để sự “tất yếu” này luôn đúng đòi hỏi Đảng ta phải thật trong sạch, vững mạnh; mà trước hết là phải quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực đó là làm hư hỏng, mất cán bộ và xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Theo đó, trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đã có những bước tiến mới, ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta hiện nay; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Qua 20 năm đổi mới, Đảng ta nhận thức đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời đề ra yêu cầu phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta càng nhận rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Đặt ra câu hỏi “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?”, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Để có được kết quả đó, đầu tiên và trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đã nhấn mạnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Do đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương. Sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội... Đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của các tầng lớp Nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ, đó là phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công!”.

Khôi Nguyên


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết