“Kẽ hở” luật pháp, cơ chế là một căn nguyên của tham nhũng
Thể chế có thể được hiểu là các quy tắc, tạo nên các khuôn khổ có tác động kìm hãm, định hướng hoặc chi phối sự tương tác của các chủ thể chính trị với nhau trong những lĩnh vực nhất định. Các quy tắc chính thức bao gồm hiến pháp, các bộ luật, điều luật, hiến chương, văn bản dưới luật. Trong khi đó, các quy tắc không chính thức có thể là các chuẩn tắc xã hội (truyền thống, tập quán, những điều cấm kỵ...) hay các quy tắc ứng xử nội bộ. Vai trò của thể chế là khả năng tạo nên một khuôn khổ mà ở đó hành động của các chủ thể trở nên dễ đoán trước hơn, cho phép các chủ thể thiết lập các kỳ vọng và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình tương tác với nhau. (Theo “Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế”, Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên).
Như vậy, thể chế với cách hiểu nêu trên đóng vai trò hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến hiệu quả công tác quản lý, điều hành trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và ổn định xã hội. Trong đó, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, thể chế trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kinh tế - xã hội nói chung, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp căn cơ để ngăn ngừa và đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tệ tham ô, tham nhũng.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định một trong những thành công lớn và quan trọng nhất trong 10 năm (2012-2022) đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Đồng thời, đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Song, đồng chí Tổng Bí thư cũng đồng thời chỉ rõ, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Thực tế cho thấy, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là những lĩnh vực quan trọng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp..., gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trong nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này là do cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng “xin - cho”... Đặc biệt, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ, thì một căn nguyên của nạn tham nhũng, tiêu cực là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, bất cập; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí có trường hợp còn sa vào suy thoái, mắc vào tiêu cực, tay đã nhúng chàm, không dám đấu tranh hoặc tiếp tục tiếp tay cho tham nhũng...
Dựng “vách sắt thể chế” ngăn ngừa tham nhũng
Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, “bịt kín” những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Đó là yêu cầu được đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực được xác định là những yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Do đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp...
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương thể chế hóa, ban hành chính sách về giải quyết các vấn đề trọng yếu, cấp bách của đất nước trong tình trạng khẩn cấp; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng... và trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất. Hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều chủ trương, quy định mạnh mẽ, quyết liệt đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt. Điển hình là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, người đứng đầu các cấp, các ngành; kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; về công tác cán bộ, miễn nhiệm, từ chức; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và một số lĩnh vực trọng yếu khác; về phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng... Cùng với đó, Quốc hội cũng đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng, cũng được xác định nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập đã bước đầu có nhiều nỗ lực, nâng cao hiệu quả tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thành lập ở các địa phương và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu. Ngoài ra, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng được chú trọng, tăng cường, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả này đã hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” trước đây.
Đặc biệt, những thành quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm qua có vai trò đặc biệt quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với sự “đúng vai”, “thuộc bài”, công tâm, khách quan và trong sáng của từng thành viên. Đó cũng là điều đã được đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên của ban, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ: Liêm - Dũng - Chính - Trực. Tức là phải liêm khiết, dũng cảm, ngay thẳng, cương trực. Không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Bản thân mình có sạch sẽ thì mới chống tham nhũng được!
Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, hay nói cách khác “tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng”. Để “khuyết tật bẩm sinh” này không trở thành một loại “bệnh di truyền”, thì phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Song muốn “nhốt” được quyền lực đòi hỏi cái “lồng” cơ chế phải được rèn đúc vô cùng vững chắc, kín kẽ, khả thi và có tính răn đe cao, thậm chí phải trở thành một loại “vách sắt”. Có như vậy nó mới giữ cho quyền lực không trở thành một công cụ bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để ra oai tác quái, hại nước, hại dân.
Khôi Nguyên