Đại biểu tham quan trưng bày sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)
Nội dung cuốn sách đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và Nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này. Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực? Sự lý giải đã được đồng chí Tổng Bí thư nêu ngay ở những dòng đầu tiên của cuốn sách, đó là: “Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”.
Cuốn sách đã tập trung làm rõ thêm các vấn đề lớn: Nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực; Những bước tiến mới về nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới...
Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng ta, đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng Nhân dân.
Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực Nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước.
So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Đây là lý do để từ tháng 9-2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các quan điểm chỉ đạo ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vì sự nghiệp chung “bất kể đó là ai”. Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá đã bị khởi tố trong các vụ án vừa qua. Điển hình gần đây nhất là từ vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á mà đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao (đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự 3 ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 3 thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang và đến nay đã xử lý hình sự 99 trường hợp); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan (đã khởi tố 40 bị can, trong đó có 2 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, 2 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, 2 vụ trưởng, cục trưởng...). Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó các tội về tham nhũng đã khởi tố điều tra 455 vụ/1.054 bị can. (Theo Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012–2022).
Theo Tổng Bí thư, việc phải xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua là điều rất đau xót, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.
Những quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. “Tham nhũng từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm”, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đã ”trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng tăng.
Tổng Bí thư cho rằng vấn đề căn bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải phòng ngừa từ xa, từ sớm, đặc biệt là phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cuốn sách đã đúc kết 8 bài học kinh nghiệm; chỉ ra 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. “Chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được chủ quan, nóng vội, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân” - Tổng Bí thư nhắn nhủ.
Hồng Hạnh