Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trình bày tham luận tại hội nghị.
Khi bước vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, nguồn lực thực hiện hạn chế. Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, phải trở thành cuộc vận động lớn, nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Với những cách làm chủ động, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 177/182 xã (tỷ lệ 97,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 07 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 914/1640 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 09/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2022 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tích cực và đạt được kết quả nhất định. Đến nay đã có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP doanh số bán hàng đều tăng lên, tăng 40% so với trước khi tham gia Chương trình; thị trường tiêu thụ được mở rộng, nhiều sản phẩm trước đây chỉ bán trong làng, trong xã nay được tiêu thụ qua các hệ thống lớn như siêu, chuỗi của hàng thực phẩm sạch trong cả nước; trên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam.
Với những kết quả đạt được, tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh, xin trao đổi một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện như sau:
Thứ nhất, tỉnh đã có quan điểm đúng, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; xác định xây dựng nông thôn mới là Chương trình có tác động lớn, toàn diện đến xã hội nông thôn; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc một cách quyết liệt, với phương châm: “Khơi dậy nội lực của dân để lo cuộc sống cho dân”, "Nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển", "Dừng lại là rớt chuẩn", luôn quán triệt phương châm "Nông thôn mới có điểm khởi đầu, làm liên tục không ngừng nghĩ".
Thứ hai, quá trình thực hiện, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện; lựa chọn các nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng; phải luôn biết "giữ lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, tỉnh có cơ chế, cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra. Phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng. Ngoài huy động nguồn lực trực tiếp của người dân, đã huy động hiệu quả sự hỗ trợ của con em xa quê, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội..., xem đây là nhiệm vụ chính trị của các tổ chức này.
Thứ tư, quá trình thực hiện các địa phương chú trọng, tăng cường sinh hoạt, đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Định kỳ soát xét, đánh giá nâng cao mức độ đạt chuẩn, đánh giá theo khối lượng tăng thêm, đối với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 các xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc, kiên quyết thu hồi Bằng công nhận đạt chuẩn nếu để "rớt" chuẩn. Quan tâm đúng mức việc sơ, tổng kết, đánh giá và khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình kể cả qua các lễ hội lớn, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp.
Về phát triển nông nghiệp: Hà Tĩnh có khu vực miền núi với diện tích gần 500 nghìn ha, vùng ven biển gần 45 nghìn ha, vùng đồng bằng hơn 56 nghìn ha, 137 km đường bờ biển, với 4 cửa lạch đổ ra biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tổng diện tích các vùng biển hơn 18 nghìn km2… là tiềm năng, lợi thế lớn để Hà Tĩnh phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển trồng lúa và các loại hoa màu khác.
Với quyết tâm chính trị lớn, tỉnh đã đưa ngành nông nghiệp không ngừng vươn lên, đạt nhiều thành tựu vượt bậc, có ý nghĩa nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,45%/năm (cả nước 3%/năm), năm 2021 đạt trên 3,78%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2021 đạt trên 24.850 tỷ đồng. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp từ 34,5% (năm 2010) lên 53% (năm 2021). Tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả thực phẩm, chè xuất khẩu, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm) từ 30,4% lên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 59% xuống còn dưới 41%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả tích cực, nhất là tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh trên các kênh phân phối; chú trọng triển khai các giải pháp phát triển kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản phẩm của tỉnh như bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh đã phân phối, tiêu thụ qua các hệ thống lớn như siêu thị Big C, Vinmart, Co.op mart và chuỗi của hàng thực phẩm sạch trong cả nước; nhiều gian hàng bưởi, cam Hà Tĩnh trên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam như: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn và sàn TMĐT của tỉnh hatiplaza.com.
6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (giá so sánh) ước đạt trên 6.300 tỷ đồng (tăng 1,5% cùng kỳ), trong đó: Nông nghiệp 5.314 tỷ đồng (bằng 98% cùng kỳ), lâm nghiệp 350 tỷ đồng (tăng 2,5%), thủy sản 510 tỷ đồng (tăng 3,5%). Tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 0,22% so với cùng kỳ năm trước (là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua).
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội và Quyết định số 462/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo chúng tôi, với nhiều điều kiện tương đồng, 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa có những tiềm năng, triển vọng liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản như sau:
1. Tạo diễn đàn để các doanh nghiệp giao lưu, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ, bao gồm:
- Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại 3 tỉnh;
- Vùng nguyên liệu chè công nghiệp và cam Chanh chất lượng cao trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An;
- Phát triển chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt, hươu, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản theo các hình thức liên kết, gia công, bao tiêu sản phẩm; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Đẩy mạnh hợp tác trong khai thác, đánh bắt thuỷ sản giữa 3 tỉnh, tăng cường bảo vệ ngư trường và chống khai thác IUU.
2. Hợp tác, liên kết phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản:
- Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các nhà máy chế biến nông lâm thuỷ sản với các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Khuyến khích phát triển mới, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến nông sản, thuỷ sản quy mô tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP.
3. Hợp tác xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản; hợp tác trong phát triển dịch vụ logistics.
Để phát huy tốt những tiềm năng, triển vọng trong liên kết, hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thu nông sản giữa 3 tỉnh; cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, phối hợp với Bộ ngành lập, triển khai Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch của 3 tỉnh và đảm bảo phát triển không gian ngành nông nghiệp 3 tỉnh có tính liên kết chặt chẽ; xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng.
Hai là, đẩy mạnh giao lưu, chia sẻ về phát triển sản xuất nông nghiệp giữa ngành nông nghiệp của 3 tỉnh, nhất là chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để phục vụ liên kết, hợp tác sản xuất nông lâm thuỷ sản hàng hoá, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển rau, quả, thịt, sữa, thuỷ sản, lúa, chè… gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản, thuỷ sản tỉnh Hà Tĩnh.
Ba là, ngành nông nghiệp các tỉnh theo từng lĩnh vực, tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”). Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất nông lâm thuỷ sản theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.
Bốn là, liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu, chế biến công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ để hỗ trợ phát triển nông lâm thuỷ sản nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, các làng nghề, ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Năm là, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, phối hợp đề xuất Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng. Trên cơ sở Quyết định 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, trong đó chú trọng liên kết nhằm tăng quy mô cung cấp ra thị trường các sản phẩm cùng loại. Phối hợp đề xuất Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương hỗ trợ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quy mô vùng, kết nối với các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước.
Sáu là, xây dựng Trung tâm sản phẩm OCOP kết nối với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2021-2025 Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng Trung tâm sản phẩm OCOP). Tại đây, tập hợp các sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên của các tỉnh trong khu vực và cả nước. Các tỉnh cùng phối hợp xúc tiến thương mại, kết nối sàn thương mại điện tử với nhau, đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của 3 tỉnh vào các kênh phân phối trên địa bàn.
Bảy là, tăng cường hợp tác trong phát triển dịch vụ logistics để giảm chi phí trong giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản ba tỉnh; liên kết quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics gắn với các vùng sản xuất nông sản tập trung; thu hút đầu tư hệ thống kho, bãi để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Cùng với đó, liên kết hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu. Thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường, bảo đảm được chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản.
Tin tưởng rằng trong thời gian tới, với những tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, ngành nông nghiệp 3 tỉnh sẽ có những bước tiến rõ rệt, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.