• :
  • :

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thảo luận 3 dự án Luật

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thảo luận 3 dự án Luật

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới. Dự thảo Luật gồm 4 chương, 65 điều.

Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 12 chương, 111 điều trong đó: bãi bỏ 3 điều, sửa đổi 65 điều, bổ sung 49 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết