Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì thảo luận tại tổ.
Nội dung được các ĐBQH thảo luận tại tổ gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Đa số các ĐBQH đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ, những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều thách thức nhưng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành giúp cho kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự đi vào quy củ. Đối với các nội dung cụ thể, trong xây dựng thêm chương trình mục tiêu quốc gia, Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng cần phải cân nhắc. Việc đầu tư quá nhiều hạng mục sẽ khiến các chương trình bị loãng và khó hiệu quả. Đối với chương trình xây dựng Nông thôn mới cần có đánh giá lại. Thực tế, nhiều nơi đạt nhưng mức độ bền vững chưa cao. Ngoài ra, hiện vẫn còn chậm trễ trong việc lập quy hoạch dù đã có nhiều giải pháp đặt ra nhưng việc thực thi lại chưa cao.
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
Bày tỏ thống nhất cao với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 trình tại Kỳ họp, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị cần nghiên cứu đánh giá, sửa đổi cho phù hợp và có cơ chế để hỗ trợ xử lý môi trường; có cơ chế khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất tạo nhiều sản phẩm chất lượng. Tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư. Sớm có các văn bản hướng dẫn thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận thảo luận tại tổ.
Kết luận thảo luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, chủ trì Tổ thảo luận đánh giá cáo công tác chỉ đạo, điều hành của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và tình hình thế giới, nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn chung. Tuy nhiên, việc tăng trưởng âm ở các địa phương là thực tế; giá trị sản xuất giảm; đầu tư công còn nhiều hạn chế. Đây là những điểm mấu chốt cần tháo gỡ trong thời gian tới. Ngoài ra, tình trạng các quy định chồng chéo nhau, dẫn tới việc thực thi bị nghẽn và không hiệu quả.
ĐBQH Lại Thế Nguyên thống nhất với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt xây dựng kế hoạch tổng rà soát văn bản pháp luật, dưới luật trong cả nước, ở tất cả các ngành, lĩnh vực để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của các văn bản này nhằm thông suốt trong triển khai công việc; thông suốt trong sản xuất kinh doanh, thi hành pháp luật; thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời là cơ sở pháp lý để bảo vệ người thi hành pháp luật, người chỉ đạo điều hành.
Tháo gỡ khó khăn trong quản lý giá vật liệu xây dựng để đảm bảo công khai, minh bạch, sát giá thị trường; chống lại lợi ích nhóm của một số cá nhân, doanh nghiệp có mỏ thao túng giá. Cùng với đó, tháo gỡ những khó khăn quy định về phòng cháy, chữa cháy để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Nhiều ĐBQH cũng nêu ý kiến về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, thi hành của Chính phủ. Dẫn tới nhiều hạng mục bị chậm triển khai. ĐBQH Lại Thế Nguyên cũng đề xuất Chính phủ cần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để tìm ra những lỗ hổng, vướng mắc, chậm trễ trong ban hành văn bản điều hành. Thực tế, những vấn đề này cũng góp phần làm ảnh hưởng chung tới sự phát triển kinh tế - xã hội.