Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp; đồng thời đánh giá cao những kết quả về kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 mà đất nước đã đạt được trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, cả tình hình thế giới và trong nước. Trong đó, những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp, dịch vụ ở mức khá.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc chỉ tăng ở mức thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp…
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, có những khó khăn hơn rất nhiều năm trước. Hầu hết các tỉnh đều tăng trưởng không đạt kế hoạch, trong đó một số tỉnh tăng trưởng âm. Giá trị sản xuất công nghiệp nhìn chung đều giảm do nhiều doanh nghiệp may mặc, dày da bị cắt giảm đơn hàng, do đó phải cho lao động giảm giờ làm, nghỉ việc; một số ngành thép, xi măng… không bán được hàng do thị trường bất động sản trầm lắng, tiến độ đầu tư chậm; những quy định về phòng cháy, chữa cháy gây khó khăn cho các doanh nghiệp; tiến độ đầu tư công chậm, trong đó nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ; thủ tục hành chính, tinh thần, trách nhiệm làm việc, đùn đẩy công việc… đang tồn tại ở một số cấp, ngành, cơ quan, đơn vị…
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
ĐBQH Lại Thế Nguyên thống nhất với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết xây dựng kế hoạch tổng rà soát văn bản pháp luật, dưới luật trong cả nước, ở tất cả các ngành, lĩnh vực để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của các văn bản này nhằm thông suốt trong triển khai công việc; thông suốt trong sản xuất kinh doanh, thi hành pháp luật; thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời là cơ sở pháp lý để bảo vệ người thi hành pháp luật, người chỉ đạo điều hành.
Tháo gỡ khó khăn trong quản lý giá vật liệu xây dựng để đảm bảo công khai, minh bạch, sát giá thị trường; chống lại lợi ích nhóm của một số cá nhân, doanh nghiệp có mỏ thâu túng giá. Cùng với đó, tháo gỡ những khó khăn quy định về phòng cháy, chữa cháy để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
Bày tỏ thống nhất cao với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 trình tại Kỳ họp, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị cần nghiên cứu đánh giá, sửa đổi cho phù hợp và có cơ chế để hỗ trợ xử lý môi trường; có cơ chế khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất tạo nhiều sản phẩm chất lượng. Tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư. Sớm có các văn bản hướng dẫn thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.