• :
  • :

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 -7-5-2023): Trang sử vàng chói lọi!

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 -7-5-2023): Trang sử vàng chói lọi!Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời chưa được bao lâu thì chủ nghĩa đế quốc và đồng minh đã dùng trăm phương nghìn kế hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Trong đó, thực dân Pháp lộ rõ dã tâm quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Và sau nhiều nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng nhằm cứu vãn hòa bình nhưng bất thành, đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Để rồi một lần nữa, cả dân tộc Việt Nam đã vùng lên quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là một cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào nội lực là chính. Cuộc chiến lấy ít địch nhiều lấy yếu đánh mạnh, vừa đánh vừa xây dựng và phát triển lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng. Vì thế “lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến, không có thoái” (Hồ Chí Minh). Và minh chứng rõ ràng nhất, sống động nhất và thuyết phục nhất cho nhận định ấy của Người là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào và nằm trên ngã ba nhiều đường lớn, nhỏ quan trọng. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Dựa trên những yếu tố thuận lợi đó, H.Navarre - viên tướng lừng danh và dạn dày trận mạc của Pháp đã hạ quyết tâm chiến lược: ra sức tăng cường Điện Biên Phủ, xem đây là một chiến trường lý tưởng để gây cho chủ lực ta những tổn thất hết sức nặng nề nếu ta dám mở cuộc tiến công mạo hiểm.

Nhằm biến Điện Biên Phủ thành một “pháo đài không thể công phá”, một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, Navarre đã tổ chức lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc. Theo đó, lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ lúc đầu có khoảng 6 tiểu đoàn, sau đó tăng lên đến 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh. Trong quá trình chiến dịch, chúng tiếp tục tăng thêm 4 tiểu đoàn và 2 đại đội nhảy dù. Phần lớn các lực lượng này gồm các đơn vị Âu - Phi và các đơn vị nhảy dù tinh nhuệ. Ngoài ra, còn có 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và 1 phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên. Tất cả được bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, với tất cả 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành những cụm cứ điểm gọi là “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, có lực lượng cơ động, có hỏa lực, có hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi một trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) và một hệ thống hỏa lực rất mạnh.

Nếu thực dân Pháp chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với chủ lực ta, thì Trung ương Đảng cũng hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ và chọn nơi đây làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ lên mặt trận Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt binh lực tinh nhuệ nhất của địch. Công cuộc chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược được triển khai nhanh chóng, với khối lượng công việc khổng lồ và vô cùng gian nan: mở đường kéo pháo; xây dựng trận địa cho pháo binh và bộ binh; chuẩn bị lực lượng bộ đội về mọi mặt; theo dõi tình hình địch; cung cấp tiếp tế... Đồng thời, trên chiến trường cả nước, quân ta mở nhiều cuộc tiến công thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động khắp nơi, trong đó có các khu vực xung quanh Điện Biên Phủ, làm cho Điện Biên Phủ ở vào tình trạng hoàn toàn cô lập, cũng như giảm bớt một phần khả năng tăng viện của địch lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, khi phân tích những nguyên nhân căn bản dẫn đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, việc thay đổi phương châm từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc là nhân tố mang tính quyết định. Khi phân tích về quyết định này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy. Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phương pháp cách mạng là vấn đề quyết định. Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy.

Khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, 17h ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam. Đến 22h30”, trung tâm đề kháng Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ và uy hiếp trực tiếp đến khu phòng ngự trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Chỉ 2 ngày sau, trung tâm đề kháng đồi Độc Lập bị tiêu diệt. Tiếp đó quân ta mở đợt tiến công thứ 2 đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía Đông, đánh chiếm sân bay triệt đường tiếp tế và tiếp viện; đồng thời thắt chặt vòng vây từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của phân khu trung tâm Mường Thanh. Đến hạ tuần tháng 4-1954, tình hình quân địch trở nên nguy khốn, quân ta mở đợt tiến công thứ 3 đánh chiếm các cao điểm cuối cùng ở phía Đông, uy hiếp mạnh trung tâm và nắm vững thời cơ tiến hành tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đúng 17h30” ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries và Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải giương cờ trắng đầu hàng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ được đánh giá là trận đánh tiêu diệt lớn nhất và điển hình nhất của quân đội ta từ trước đến nay, chiến thắng lớn nhất của Nhân dân ta trong gần 100 năm đấu tranh chống thực dân Pháp. Trận Điện Biên Phủ cũng được coi là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc nhỏ chống quân đội xâm lược của bọn đế quốc thực dân. Tại Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh trên 16.000 tên địch; trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, có một tên tướng, 16 tên quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Lực lượng của địch bị tiêu diệt bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (trong đó có 7 tiểu đoàn dù), 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh.

Khi phân tích nguyên nhân thất bại của thực dân Pháp, có nhận định cho rằng, sai lầm của Navarre tại Điện Biên Phủ là ở chỗ chỉ thấy chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm mà không thấy hết chỗ yếu của nó. Sai lầm cơ bản hơn nữa của y là, với cách nhìn của một nhà quân sự tư sản, y không thể thấy hết được những khả năng lớn lao của một quân đội Nhân dân và của cả Nhân dân một nước đang chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; lại càng không hiểu và không thấy được quá trình phát triển tiến lên, những tiến bộ và cố gắng vượt bậc của quân đội ta và của Nhân dân ta; không hiểu được và không đánh giá được những khả năng lớn lao của tinh thần đấu tranh bất khuất của một dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng của một quân đội Nhân dân.

Có thể khẳng định, từ trang sử vàng Điện Biên Phủ, đất nước ta không chỉ giành lại độc lập, mà Điện Biên Phủ được coi là thắng lợi to lớn của các dân tộc nhỏ yếu, là niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, là một cống hiến lớn lao của Nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Thắng lợi vĩ đại ấy đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như tìm ra đáp số cho một bài toán do thời đại đặt ra, đó là: Làm thế nào một nước nhỏ và nghèo có thể đánh thắng chiến tranh xâm lược của một đế quốc to, mở đầu sự tiêu vong của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng: một bên là dân tộc Việt Nam được lịch sử giao phó sứ mệnh làm chiến sĩ xung kích chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân cũ, chôn vùi chế độ thuộc địa; với một bên là nước đế quốc muốn tái lập một chế độ đã bị lịch sử lên án, đi ngược lại xu thế của thời đại. Kết cục của cuộc kháng chiến này chẳng những khẳng định tính phổ biến của một chân lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện: cách mạng giải phóng có thể tự lực thành công trước cách mạng chính quốc và thúc đẩy cách mạng chính quốc, mà trên thực tế còn góp phần quyết định biến những phong trào giải phóng dân tộc từ chỗ như ngọn lửa mới nhen trở thành một núi lửa thiêu trụi chủ nghĩa thực dân.

Khôi Nguyên

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Điện Biên Phủ" (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018).


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết