Thượng nguồn sông Mã trên địa bàn huyện Mường Lát.
Từ “Cổng trời” mơ về Pha Đén, Sài Khao
Chiều muộn, Cổng trời hiện lên bình yên. Những dải mây trắng bồng bềnh, ôm ấp những dãy núi trùng điệp. Xa xa dưới thung lũng, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Chiếc lán dựng tạm nơi Cổng trời cho khách dừng chân nghỉ và mua một số đồ đặc sản của Mường Lát như măng, dưa, dứa, mận, đào... Mùa nào thức nấy, bà con người Mông gùi lên Cổng trời ngồi bán.
Nơi “Cổng trời” xã Trung Lý, khung cảnh bình yên, mây ôm ấp núi.
Bất giác tôi nhớ đến trích đoạn trong Tiểu thuyết “Vùng trời thủng” của cố nhà văn Kiều Vượng viết về nơi này: “Ngày đầu chúng tôi đặt chân đến Cổng trời là một lối mòn dựng ngược, bước chân đầu gối chạm cằm. Leo tới Cổng trời, kẻ săn gân đến mấy cũng phải ngồi phịch thở lấy hơi. Chim phải là cỡ đại bàng mới dám bay qua. Khỉ, vượn phải theo đàn, con trước dìu con sau, con mạnh kéo con yếu, nhiều con leo chưa đến Cổng trời đã sẩy chân rơi xuống sàn đạo, đập đầu vào đá chết tươi. Nhiều đàn ngựa thồ đến được Cổng trời, có con đã trụy thai” (Bản Keo Hượn, tháng 6 năm 1976).
Quốc lộ 15C lên huyện vùng cao Mường Lát uốn lượn qua những cánh rừng, sườn núi.
Ấy vậy, 47 năm trôi qua, Cổng trời ngày hôm nay, trời thu đã thay áo mới... Cổng trời (xã Trung Lý) chính là “cửa ngõ” của mảnh đất biên cương Mường Lát. Nếu như trước đây, đường lên Mường Lát khó khăn, hiểm trở thì nay tuyến Quốc lộ 15C được sửa chữa, nâng cấp trải nhựa uốn lượn theo những triền núi, đồi. Không một ai lên đến Mường Lát mà không dừng chân lại, nghỉ ngơi và ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Nơi đây đang được UBND huyện Mường Lát, UBND xã Trung Lý xây dựng là điểm du lịch.
Không chỉ có Cổng trời (Trung Lý) mà Pha Đén (Pù Nhi), Sài Khao (Mường Lý) nằm trong danh sách 10 bản được huyện Mường Lát định hướng, lựa chọn xây dựng làm điểm du lịch cộng đồng theo Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cán bộ xã Pù Nhi và phóng viên Báo Thanh Hóa trò chuyện cùng Bí thư chi bộ, trưởng bản Pha Đén Lâu Văn Đua.
Nếu Cổng trời là nơi dừng chân đầu tiên của khách du lịch thì Pha Đén lại là nơi có ngọn núi cao nhất của xã Pù Nhi. Từ trung tâm xã lên đến Pha Đén khoảng 5 km. Đường bê tông đã lên đến tận bản, nhưng dốc vẫn còn cao. Đặt chân đến trung tâm bản Pha Đén, phóng tầm mắt ra xa là dòng Mã giang tựa sợi chỉ vắt qua những cánh rừng. Ngay dưới chân bản là trung tâm xã Pù Nhi như một thung lũng được núi rừng bao quanh. Bí thư kiêm trưởng bản Pha Đén Lâu Văn Đua (sinh năm 1973) với khuôn mặt, giọng nói đặc trưng của người Mông kể cho chúng tôi nghe hành trình xây dựng bản Pha Đén có cuộc sống như ngày hôm nay và cả những trăn trở cho tương lai.
Pha Đén hiện có 97 hộ, hơn 400 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, bản Pha Đén vẫn giữ nét văn hóa truyền thống về trang phục, nhà ở, ẩm thực, sinh hoạt, văn nghệ... Các chàng trai Mông biết thổi khèn, thổi sáo, đàn môi; các chị em biết múa hát theo điệu khèn, tiếng sáo, biết thêu thùa. Ngày lễ, tết, đồng bào Mông làm các món ăn như bánh dày, bánh ngô, gạo mắc khẻn. Nhà nào cũng chăn nuôi lợn, gà bản địa, trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con trâu, bò. Đặc biệt, trong bản một số hộ biết vẫn giữ nghề rèn làm ra những chiếc dao, cuốc sắc bén phục vụ cuộc sống hàng ngày. Bản Pha Đén cũng có nhiều hộ trồng mận, cam như gia đình các ông Lâu Nọng Pó, Lâu Văn Lênh, Lâu Văn Xá...
Pha Đén hôm nay đã có đường, có điện - là 1 trong những bản nằm trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng của Mường Lát.
Bí thư kiêm trưởng bản Lâu Văn Đua nói rằng: “Ở Pha Đén, người dân vẫn giữ được bản sắc văn hóa của người Mông. Ngoài ra, nơi đây có khí hậu khác biệt là quanh năm mây mù, khí hậu hài hòa, mát mẻ. Hiện nay, Pha Đén đang nỗ lực về đích NTM trong năm 2023. Dọc hai bên đường trong bản, bà con chuẩn bị trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan vườn nhà thoáng đãng... Có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước chắc chắn bà con sẽ biết cách làm du lịch cộng đồng từ chính tiềm năng của mình để góp phần đổi thay cuộc sống”.
Độc đáo những hàng rào đá ở Sài Khao.
Cách thị trấn Mường Lát khoảng chừng 30km, Sài Khao là bản nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Sài Khao gắn liền với những năm tháng lịch sử vàng son chói lọi của Trung đoàn Tây Tiến.
Bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, bản Sài Khao, xã Mường Lý.
Cung đường lên Sài Khao là một tuyệt phẩm hùng vĩ và tráng lệ mà tạo hóa đã kì công tạo dựng, vừa để thử thách lòng người vừa biến mọi thứ nơi đây trở nên đặc biệt khó lẫn. Đến đây vào buổi sáng, du khách không chỉ nhìn thấy sương bảng lảng xen vào từng ngọn cỏ, cành cây mà còn cảm nhận được hơi nước sà áp vào mặt trong từng nhịp thở. Những thửa ruộng bậc thang trải đều, bám theo triền núi uốn cong; những ngôi nhà sàn thưng gỗ ẩn mình mà đầy trầm tích văn hóa, tạo nên vẻ đẹp lặng lẽ mà lắng sâu. Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh cao Sài Khao, du khách có thể quan sát được dãy Pha Luông kỳ vĩ ẩn hiện trong mây trắng mang đến một trải nghiệm trọn vẹn cảm giác “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” và “heo hút cồn mây” mà nhà thơ Quang Dũng đã nhắc trong bài thơ Tây Tiến.
Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, Cột mốc 281, thị trấn Mường Lát - địa điểm tham quan hấp dẫn huyện Mường Lát.
...Bất chợt, tôi mơ màng nghĩ đến trong thời gian không xa nữa, những vườn mận, vườn đào, vườn mơ sẽ không chỉ có ở Pù Nhi, Nhi Sơn mà còn đơm hoa, kết trái ở Mường Lý, đem lại thu nhập cho bà con và thu hút khách du lịch. Rồi đây những địa danh như: Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, Cột mốc 281; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu; Đền thờ Tư Mã Hai Đào; Thiền viện Đại Hóa... sẽ đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, cảm nhận sự bình yên và những nét văn hóa của đồng bào.
Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định 1673/QĐ-UBND ngày 18-5-2023) chính là “lối mở”, là giải pháp quan trọng “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh, tạo đà cho du lịch ở huyện vùng biên phát triển. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện, là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2030, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh và bền vững.
Phát triển những sản phẩm nông nghiệp lợi thế
Hiện, huyện Mường Lát đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là lúa nếp Cay Nọi, bí thơm Đồng Sa, thịt trâu gác bếp Dì Ốc, măng khô Chung Thành. Những sản phẩm được chắt lọc, xây dựng từ tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất vùng biên.
Các sản phẩm OCOP của huyện Mường Lát.
Lên vùng cao Mường Lát, thưởng thức cái dẻo, thơm của nếp Cay Nọi, thơm ngon của thịt trâu gác bếp, của măng, của bí thơm... và rồi nhận thấy, những sản phẩm nông nghiệp được xem là lợi thế của mảnh đất này không chỉ mang lại thu nhập, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân từ tự cung tự cấp sang sản phẩm hàng hóa, mà còn là cơ hội đồng hành để du lịch phát triển. Du khách đến với Mường Lát, không chỉ cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, vùng đất, con người mà còn thưởng thức hương vị, món ăn nơi núi rừng từ bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người dân. Để rồi, chính những sản phẩm này như một món quà ý nghĩa trong hành trình về thăm Mường Lát của du khách.
Anh Lò Văn Kệch (áo đen), bản Bóng, xã Mường Chanh phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả.
Nỗ lực hằng ngày để dần thay đổi cuộc sống, nhiều mô hình kinh tế dần nhen nhóm, không chỉ mang lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình mà còn góp sức, chung tay xây dựng NTM ở khu phố, thôn bản. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Lò Văn Kệch, bản Bóng, xã Mường Chanh trồng vườn cây ăn quả: cam Lào, mít Thái, xoài, nhãn...; đào ao thả cá, trồng cỏ, chăn nuôi bò... mang hiệu quả. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay gia đình Kệch đã có nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, anh còn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn thanh niên trong bản, trong xã từ kinh nghiệm làm kinh tế của mình. Anh Kệch chia sẻ: “Tôi mong muốn những sản phẩm cây ăn quả gia đình, một ngày nào đó cũng trở thành những sản phẩm OCOP tiêu biểu, không chỉ giúp nâng tầm giá trị sản phẩm mà còn góp phần đưa sản phẩm Mường Lát được nhiều người biết đến”.
Ngoài ra, ở bản Piềng Tặt (Mường Chanh), gia đình ông Lương Văn Thiện là hộ điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện tại, gia đình ông Thiện trồng nhiều loại cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn bản địa, trồng lúa nếp Cay Nọi. Ở bản Chai (Mường Chanh) có gia đình anh Vi Văn Ừm, phát triển kinh tế với cây trồng chủ lực là vầu, nứa trên diện tích 5ha.
Việc người dân chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, gia đình chính là một trong những giải pháp thiết thực.
Gia đình anh Ngân Văn Tịnh, bản Nàng 1, xã Mường Lý là hộ trồng sắn và nuôi nhiều dê nhất bản.
Xuôi về xã Mường Lý, bên những sườn đồi, sắn đang phủ một màu xanh thay thế cho diện tích cây trồng trước đây không mang lại hiệu quả, cho giá trị kinh tế thấp. Gia đình anh Ngân Văn Tịnh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bàn Nàng 1 là hộ tiên phong trồng sắn. Hiện tại, anh trồng 10 ha sắn, ngoài ra còn trồng lúa nước, nuôi đàn dê gần 30 con. Anh Tịnh chia sẻ: “Muốn bà con nghe theo, học theo thì cán bộ phải làm gương trước. Nhìn thấy việc trồng sắn mang lại hiệu quả, hầu hết 84 hộ dân ở bản Nàng 1 đã chuyển từ các loại cây khác sang trồng sắn”.
Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển các loại cây trồng chính trên địa bàn xã như lúa, ngô, sắn, cây ăn quả, dược liệu, cây gai xanh... theo định hướng sản xuất tại Nghị quyết số 11. Tuyên truyền, vận động người dân có sản phẩm hàng hóa đem trao đổi buôn bán tại các chợ, góp phần chuyển đổi tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa. Qua kết quả điều tra, khảo sát thực địa của ngành chức năng thì ở thổ nhưỡng ở Mường Lý phù hợp với các loại cây: quế, trẩu, thông, sa mu, bồ đề, dổi ăn hạt, mỡ, luồng, vầu, cọ phèn, lát hoa...”.
Là người con sinh ra và lớn lên ở Hoằng Hóa, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát lên mảnh đất biên cương Mường Lát công tác và gắn bó đã hơn 26 năm. Trải qua nhiều vị trí công tác, dấu chân in trên những con đường, bản làng vùng biên, ông xem Mường Lát như quê hương thứ hai. Theo ông Dũng, muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải thật sự đoàn kết, sáng tạo. Nghị quyết số 11 chính là chiếc “chìa khóa”, tạo động lực mạnh mẽ để huyện Mường Lát đổi thay, phát triển, hướng tới người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo định hướng tại Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Quốc Hương
Thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 11-5-2023, UBND huyện Mường Lát đã ban hành Kế hoạch số 91-KH-UBND về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nghị quyết. Huyện Mường Lát phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 25 triệu đồng/năm trở lên. Đến năm 2030, có 7/7 xã đạt chuẩn NTM (1 xã đạt NTM nâng cao), 2 bản đạt NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 80%...
Hội Cựu chiến binh huyện và thị trấn Mường Lát thăm mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của thị trấn Mường Lát.
Để biến tiềm năng thành lợi thế, để “hóa giải” những khó khăn thành thuận lợi, có thể Đảng bộ và Nhân dân Mường Lát cần thời gian, cần sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa. “Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương trong tỉnh, chắc chắn Mường Lát sẽ phát huy những “sản phẩm” tiềm năng này thành “thương hiệu” riêng để phát triển”, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định.