Tranh thủ trời nắng, bà Nguyễn Thị Liên, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Liên Tuân, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ đánh, đảo mắm.
Ngon miệng, đẹp mắt
Nước mắm Khúc Phụ bà Hảo là một cái tên thương hiệu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với quy mô sản xuất nước mắm đạt 15.000 lít/năm và mắm tép 10 tấn/năm. Trước đây, gia đình chỉ sản xuất nhỏ lẻ nhưng do nhu cầu ngày càng cao của thị trường nên cơ sở đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở rộng nhà xưởng, nhà kho, bể chứa, bể muối với diện tích hơn 400m2 chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và mắm tép.
Theo anh Nguyễn Văn Đạt, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Nguyên liệu làm ra loại nước mắm này phải là cá cơm, cá nục nhỏ tươi nguyên, muối trắng phải được bảo quản trong kho riêng ít nhất 5 tháng trước khi đưa vào sản xuất để giảm vị mặn chát của muối. Tùy loại cá mà cho muối nhiều hay ít, thông thường 2 phần cá, 1 phần muối. Quy trình sản xuất nước mắm phải trải qua các công đoạn xử lý, trộn muối, gài nén, náo đảo, kéo rút, pha đấu, đóng chai, dán nhãn. Sau đó sản phẩm sẽ được cung cấp ra thị trường để tiêu thụ. Các sản phẩm của gia đình khi làm ra luôn cam kết về chất lượng. Cơ sở này đã có 2 sản phẩm (nước mắm và mắm tép) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Không chỉ những công ty, cơ sở sản xuất đã có thương hiệu được nhiều người biết đến như Lê Gia, bà Hảo, bà Hoan... nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở làng nghề Khúc Phụ đang nỗ lực phát huy thế mạnh của nghề truyền thống, cung cấp sản phẩm tốt nhất cho thị trường.
Cơ sở sản xuất nước mắm Liên Tuân, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ là một trong những cơ sở làm nước mắm gia truyền. Theo bà Nguyễn Thị Liên, 65 tuổi, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Liên Tuân, gia đình bà có truyền thống 4 đời làm mắm, từ thời ông cố truyền dạy lại cho con, cháu và bây giờ bà truyền nghề cho các con trai. Những năm tháng khó khăn, nhiều hộ sản xuất mắm trong làng bỏ nghề thì bà vẫn không từ bỏ mà giữ và duy trì nghề cho đến ngày nay; đồng thời gây dựng được những mối hàng thân thiết nhờ uy tín lâu năm và chất lượng sản phẩm. Năm 2014, gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào HTX sản xuất chế biến nước mắm Khúc Phụ. Để bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng, cơ sở đã biết chú trọng đầu tư thay đổi đa dạng các loại mẫu mã sản phẩm hướng đến các đối tượng khách hàng khác nhau, có loại đóng chai thủy tinh sang trọng, đẹp mắt để làm quà tặng, hay loại chai truyền thống dành cho những khách hàng đã quá quen thuộc với sản phẩm. Với quy mô sản xuất 2 nhà xưởng với tổng diện tích hơn 250m2, cơ sở sản xuất nước mắm Liên Tuân bán ra thị trường trên 2.000 lít/tháng, thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà chủ yếu vươn ra các tỉnh, thành trong cả nước như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu, Hải Phòng... “Từ đầu năm đến nay, các nguyên liệu như cá, muối, nhân công đều tăng giá, ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất nhưng cơ sở của gia đình bà vẫn cố gắng khắc phục để duy trì giữ nghề truyền thống”, bà Liên chia sẻ.
Tích cực hỗ trợ nâng tầm sản phẩm
Trong 5 xã ven biển thuộc huyện Hoằng Hóa duy chỉ có xã Hoằng Phụ là có nghề truyền thống làm nước mắm với thương hiệu dân gian Khúc Phụ nức tiếng gần xa. Người dân làng nghề Khúc Phụ luôn tự hào về sản phẩm nước mắm đặc biệt của quê hương mình. Ngon miệng, đẹp mắt, tốt cho sức khỏe, giá cả phải chăng... đó là những điều khiến nước mắm tại làng nghề này ngày càng được nhiều người biết đến.
Điều đặc biệt ở làng nghề nước mắm Khúc Phụ đó là trải qua những giai đoạn thăng trầm của thời gian, thời cuộc, người dân ở làng nghề này vẫn luôn gắn bó với nghề làm mắm, chắt chiu những kinh nghiệm, bí quyết riêng từ quá trình làm nghề, họ truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Đến thời điểm hiện tại, làng nghề có tuổi đời trên 100 năm, hiện nay, nhiều ông chủ, bà chủ trẻ là thế hệ thứ 2, thứ 3 trong làng nghề vẫn tiếp tục yêu quý, giữ gìn và phát huy. Bên cạnh uy tín, chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu thì sự nhanh nhạy với thời cuộc, công nghệ, năng động, sáng tạo, họ đã và đang trên hành trình nâng tầm thương hiệu nước mắm Khúc Phụ. Hiện nay, nước mắm Khúc Phụ cũng đã trở thành đặc sản dùng để làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở khắp mọi miền Tổ quốc và có một số sản phẩm được xuất khẩu thành công đến những thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ Lê Danh Diệu, cho biết: Để thương hiệu nước mắm Khúc Phụ tiếp tục phát triển rộng khắp hơn nữa, địa phương thường xuyên tuyên truyền, lưu ý các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ bảo đảm chất lượng, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các dòng sản phẩm nước mắm Khúc Phụ. Địa phương tuyên truyền, vận động bà con phát triển thương hiệu, xây dựng các sản phẩm OCOP, phấn đấu mỗi năm có thêm từ 2 - 3 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. UBND xã tích cực phối hợp với các phòng, ngành chức năng rà soát, đánh giá, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị tỉnh xem xét, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn xã Hoằng Phụ đã có tổng cộng 9 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, mắm tép. Hy vọng rằng dự án xây dựng làng nghề tập trung kết hợp du lịch trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Khúc Phụ sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần tạo “cú huých” vừa phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu, vừa phục vụ phát triển du lịch huyện Hoằng Hóa.
Bài và ảnh: Việt Hương