• :
  • :

Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh

Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Định thăm Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa chuyên sản xuất rau, quả an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap trong nhà màng nhân chuyến thăm và làm việc tại huyện Yên Định ngày 12-8-2022.

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn cho sức khỏe Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.100 ha đất sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; bước đầu đã hình thành một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn[1].

Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Việc đầu tư sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, lẻ, thiếu đồng bộ. Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, hiệu quả thấp. Việc liên kết giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Việc phân biệt giữa sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các loại sản phẩm nông nghiệp thông thường khác trên thị trường gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; chưa chủ động nghiên cứu, đề ra các giải pháp phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Một bộ phận người sản xuất còn thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã để lại tồn dư hóa chất trong sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; kiến thức, khả năng tiếp cận trình độ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn còn rất hạn chế. Nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các cấp, các ngành phải xác định việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp của địa phương và của tỉnh.

Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái; về những tác hại, thiệt hại từ việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học không đúng quy định đối với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng và chính bản thân người nông dân; từ đó nhanh chóng thay đổi thói quen, tập quán canh tác sang thực hành sản xuất sạch, an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm được kiểm soát, chứng nhận đảm bảo an toàn, hình thành thói quen lựa chọn, sử dụng nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.

2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo:

2.1. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…) tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, phấn đấu đến năm 2025 có 70% diện tích lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; 50% diện tích rau an toàn tập trung chuyên canh; 25% diện tích cây ăn quả tập trung được chứng nhận VietGAP; 75% số trang trại chăn nuôi lợn thịt, gia cầm quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP; 50% diện tích nuôi tôm và 100% diện tích ngao nuôi tập trung được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Rà soát, xác định các vùng sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo hướng nuôi - trồng kết hợp với du lịch sinh thái - trải nghiệm tại những nơi có điều kiện, để thu hút du khách đến tham quan và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương.

2.2. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, các tác nhân phòng trừ sinh học thay thế cho phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, đặc biệt là những loại giống có khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh để giới thiệu, khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia học tập, làm theo.

2.3. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa những hộ sản xuất liền kề để cùng nhau tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đủ lớn, sản phẩm có chất lượng đồng đều, giá thành cạnh tranh. Mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ, trong đó, doanh nghiệp, HTX giữ vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm của hộ nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản; nông dân là chủ thể xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

2.4. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đến năm 2030. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất.

2.5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ thực hiện thủ tục cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận mã số vùng trồng, vùng nuôi; tạo lập, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thông qua xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền, chứng nhận sản phẩm OCOP…; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm đã được chứng nhận theo quy định. Quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2.6. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh thông qua các kênh thông tin, triển lãm, phiên chợ, hội chợ... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, siêu thị thu mua, phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các địa phương khác trong nước. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ra nước ngoài.

3. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

4. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn căn cứ nội dung chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chỉ thị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả cao tại địa phương, đơn vị.

5. Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được quán triệt đến các chi bộ đảng và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân.

[1]Tiêu biểu như các mô hình: vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - biogas, lúa - cá, chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng cây ăn quả - nuôi ong mật…


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết