• :
  • :

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Toàn cảnh hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các hội, hiệp hội, trường đại học và nhà khoa học, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc", cho nên rất coi trọng và đề cao lớp người có học vấn, lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, trí thức đang thực sự trở thành bộ phận ưu tú nhất, “tinh hoa” của nguồn nhân lực, đó là những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có lý tưởng cao đẹp vì dân tộc, đạo đức trong sáng vì con người; có tầm nhìn chiến lược và năng lực hành động xuất sắc, luôn gương mẫu tiên phong và liên tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Là lực lượng đông đảo, với trên 236 nghìn người, hoạt động trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế của tỉnh, đội ngũ trí thức ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền; nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, động viên, khen thưởng trí thức được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời; đội ngũ trí thức đã phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tích cực truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài và chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khát vọng lớn lao “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”. Để đạt được mục tiêu cao cả đó, cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; trong đó, có vai trò rất quan trọng của đội ngũ trí thức tỉnh nhà.

Với mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những trao đổi, đóng góp ý kiến, những “hiến kế” của đội ngũ trí thức đối với các chủ trương, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị từng đại biểu tham dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tích cực tham gia phát biểu ý kiến có chất lượng, sâu sắc, sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần vào thành công của hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trình bày khái quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 10 tháng năm 2022; các chủ trương, chính sách, dự án, đề án lớn của tỉnh; những vấn đề tham vấn đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã trình bày khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 10 tháng năm 2022; các chủ trương, chính sách, dự án, đề án lớn của tỉnh; những vấn đề tham vấn đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 10 tháng năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm ước đạt 14,24%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Về những định hướng lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã nêu lên những chủ trương, chính sách mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Đội ngũ tri thức tham vấn, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trình bày các tham vấn, đề xuất kiến nghị đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh

Tại hội nghị, đại diện cho đội ngũ tri thức trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã tham vấn hai chuyên đề và đề xuất kiến nghị một số nội dung quan trọng đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Cụ thể, hai chuyên đề tham vấn đó là: “Ý tưởng, định hướng lớn phục vụ xây dựng đề án phát triển nhanh, đa dạng các loại hình, các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn”; “Những chủ trương, định hướng lớn để xây dụng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc”.

Tại chuyên đề thứ nhất, đội ngũ tri thức đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tập trung vào 4 vấn đề, đó là: Khi xây dựng đề án, tỉnh cần tập trung chỉ đạo để xác định mục tiêu của đề án là cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh và trở thành ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế với chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững; phát triển khu vực dịch vụ nhanh, đa dạng; khu vực dịch vụ trở thành khu vực chính, khu vực chủ chốt…

Đối với dịch vụ du lịch, khi xây dựng đề án cần quan tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao; đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch theo hướng bổ sung các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) đề án cần quan tâm phát triển đa dạng các loại hình TMĐT chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; quan tâm đến các giải pháp công nghệ; xây dựng một số sàn thương mại điện tử đặc thù liên quan đến các lĩnh vực thế mạnh và sản phẩm thương hiệu của tỉnh…

Về nội dung xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng, hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn, đề án cần quan tâm: Trung tâm logistics cấp vùng, hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn, cần quan tâm đảm bảo trở thành nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, kho bãi và phân phối hành hóa nội địa và quốc tế; xây dựng lộ trình đầu tư Trung tâm; ưu tiên giành quỹ đất đủ lớn để xây dựng; có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại vào xây dựng Trung tâm; phát triển dịch vụ logistics thành ngành dịch vụ chủ lực của tỉnh; cần có lộ trình sớm đầu tư và xây dựng các trung tâm logistics cấp tỉnh, các trung tâm vệ tinh…

Tham vấn chuyên đề thứ 2, đội ngũ trị thức đề xuất 6 vấn đề. Thứ nhất đó là sự cần thiết phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng đề phát huy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng, làm cơ sở thực hiện các vấn đề như, quy hoạch mang tính đồng bộ cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, không phát triển hạ tầng giao thông bằng mọi giá.

Thứ hai, đề xuất liên kết phát triển hạ tầng giao thông và sản xuất một số sản phẩm đặc trưng giữa Thanh Hóa với các địa phương thuộc Bắc Trung bộ, Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng; đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách lớn để phát triển liên kết vùng; giảm thuế và một số khoản phí, lệ phí khi tham gia liên kết; quy hoạch phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ giai đoạn 2021-2030, mở rộng phạm vi từ Quảng Ninh đến Quảng Trị.

Tiếp đó, đề nghị với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chủ động phối hợp với các tỉnh trong 3 vùng trên đề xuất bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 của từng tỉnh và của 3 vùng những nội dung liên kết vùng; chủ động phối hợp với Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh để đề xuất và xây dựng và thực hiện “Kế hoạch xây dựng Từ giác phát triển ở phía Bắc của tổ quốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa vào năm 2030” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng chương trình liên kết sâu và rộng với các cực tăng trưởng trong nước (TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh...) cũng như các cực tăng trưởng khác trên thế giới đã và sẽ ký kết hợp tác; tích cực khắc phục những điểm mà các nhà đầu tư còn phân vân về Thanh Hóa như, kỹ năng của người lao động thấp, cơ sở hạ tầng chưa thật đồng bộ, logistic chưa phát triển, diện tích mặt bằng sạch nhỏ…Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.

Đề xuất Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách lớn để phát triển liên kết vùng ở Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng: Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội; giảm thuế và một số khoảng phí khác… Xây dựng cơ chế tăng cường phân cấp trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng giao cho các tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, bổ sung một số định hướng và nhiệm vụ cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với hai nội dung tham vấn, đội ngũ trí thức đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề thuộc các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật và môi trường; văn hóa – xã hội; các chính sách trong hoạt động khoa học công nghệ.

Cụ thể, về quy hoạch phát triển đô thị, đề nghị lãnh đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá thực trạng và rà soát chất lượng các đô thị hiện có, tìm ra hướng đi, hướng phát triển cho phù hợp; đồng thời tỉnh cần có chính sách thu hút, đào tạo phát triển đội ngũ Kiến trúc sư, kỹ sư các ngành kinh tế kỹ thuật có trình độ cao phục vụ công tác nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị của tỉnh.

Về lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai đề nghị xem xét, rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và công trình thủy lợi; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng sửa chữa nâng cao an toàn dập, hồ chứa nước đã có; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy về quản lý thủy lợi vừa đảm bảo gọn nhẹ nhưng phải có đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ.

Về lĩnh vực thủy sản, đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên các tàu khai thác thủy, hải sản trên biển; xây dựng chính sách phát triển nuôi biển, nuôi cá hồ chứa thủy lợi, thủy điên nhằm tăng sản lượng nuôi trồng; sớm ban hành chính sách phát triển chuỗi giá trị tổng ngành thủy sản từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ

Về lĩnh vực chăn nuôi và thú y, đề nghị tăng cường chỉ đạo chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng các chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi thú y; xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP.

Về lĩnh vực môi trường, đề nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để sớm chấm dứt việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, tập trung phân loại xử lý rác thải mới và từng bước phân loại, xử lý giải phóng bãi rác đã chôn lấp. Rác sau khi được phân loại được sử dụng như nguyên liệu sản xuất, một phần được “đồng xử lý trong sản xuất xi măng”; bổ sung chính sách hỗ trợ việc phân loại, vận chuyển rác thải, biến rác thải thành tài nguyên tái tạo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện; sớm có chủ trương, định hướng để các ngành chức năng và các địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh các phương án xử lý.

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội đề xuất quan tâm việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa như, đầu tư nâng cấp “Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hàm Rồng”; tăng cường quản lý tại khu di tích, danh thắng Am Tiên (Triệu Sơn); xây dựng và giảng dạy bộ chữ Mường ở Thanh Hóa.

Ngoài ra, đội ngũ trí thức đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm nâng cao vai trò và đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh và các hội chuyên ngành thành viên và các hội quần chúng khác.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng và liên vùng

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Đồng chí Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham vấn tại hội nghị.

Tham vấn tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XI và khóa XII nêu rõ: Hạ tầng giao thông vùng, liên vùng đóng vai trò quyết định đến sự hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả của các liên kết đa dạng nội vùng, liên vùng. Hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết, hỗ trợ chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng, liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế; khai thác và hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh đồng bộ, mạnh mẽ.

Đáng giá về kết nối hạ tầng giao thông ở Thanh Hóa, đồng chí Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XI và khóa XII cho biết: Hệ thống giao thông của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2020, đã có bước phát triển đột phá. Nhiều công trình giao thông hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả. Các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh với các tỉnh bạn và tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) đều được cải tạo, nâng cấp. Tất cả các trung tâm huyện lỵ trên địa bàn tỉnh đều có các tuyến quốc lộ kết nối. Bên cạnh hệ thống quốc lộ, hệ thống đường tỉnh và giao thông nông thôn cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó tạo nên mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn. Các trục dọc kết nối với các trục ngang và kết nối đến trung tâm các huyện, xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp và chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước nên kết cấu hệ thống giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Từ vai trò của hạ tầng giao thông trong liên kết vùng và liên vùng, đồng chí Lê Văn Cuông đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống trục ngang kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam; các trục đường chính theo quy hoạch để hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ và an toàn trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với giao thông trong vùng, liên vùng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Kỹ sư Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội Cầu đường Thanh Hóa tham vấn tại hội nghị.

Kỹ sư Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội Cầu đường Thanh Hóa đã tham vấn một số ý kiến về chủ trương, định hướng để xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết cầu hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc.

Theo đó, kỹ sư Nguyễn Văn Khánh bày tỏ sự đồng thuận, tinh thần quyết tâm cao của Hội Cầu đường Thanh Hóa trong nhận thức, hành động, cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh nỗ lực vươn cụ thể hóa khát vọng xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TU của Bộ Chính trị.

Về thực trạng mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh, kỹ sư Nguyễn Văn Khánh cho rằng, do có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Quốc gia, là cửa ngõ nối liền khu vực đồng bằng sông Hồng với các tỉnh duyên hải miền Trung nên Thanh Hóa có mạng lưới giao thông tương tối dày. Trong đó, hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có quốc lộ đi qua. Bên cạnh còn có hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không…

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu đi lại của Nhân dân. Hệ thống hạ tầng phục vụ kết nối các phương thức vận tải như cảng cạn, kho bãi hàng hóa, trung tâm logistics,... hầu như chưa có. Việc khai thác thế mạnh tiềm năng cảng biển, kết nối dịch vụ với các tỉnh lân cận và nước bạn Lào chưa hiệu quả…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngày 29-8-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 3227/QĐ-UBND Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và ngày 1-9-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Thực hiện tốt các quy hoạch này, Thanh Hóa sẽ có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt liên kết vùng tương đối hoàn chỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Do vậy, kỹ sư Nguyễn Văn Khánh đề xuất tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ xây dựng cơ chế tăng cường phân cấp trong công tác đầu tư, quản lý hế thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng giao cho các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, trong đó có giao cho tỉnh Thanh Hóa. Bởi trên thực tế, đã có 14 tỉnh được phân cấp thực hiện 8 dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công.

Cùng với đó, Chính phủ nên tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, lệ phí cho phù hợp với cơ chế thị trường để tăng tính thương mại của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá, định mức trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, bảo trì, vật liệu phù hợp theo chuẩn quốc tế và điều kiện thực tiễn của đất nước.

Kỹ sư Nguyễn Văn Khánh đề nghị tỉnh cần khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng hình thức nhượng quyền khai thác. Nghiên cứu cơ chế khai thác quỹ đất 2 bên tuyến đường bộ và khu vực lân cận để có nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ. Đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đi qua vùng khó khăn, tính thương mại thấp thì đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhằm đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tập trung mọi nguồn lực và cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Kiến trúc sư Lê Đình Nam tham vấn tại hội nghị

Tham vấn về những vấn đề để tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, Kiến trúc sư Lê Đình Nam cho rằng, thời gian gần đây Thanh Hóa đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng cao, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn, du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện; một sơ cơ sở hạ tầng quan trọng được hình thành như Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường. Phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tích cực triển khai. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng được thúc đẩy.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hoá thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém đó là: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phụ thuộc nhiều vào tăng các yếu tố đầu vào; một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; phát triển của ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Hệ thống đô thị phát triển chưa nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng các huyện miền núi, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động đối ngoại, hợp tác, liên kết vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Kiến trúc sư Lê Đình Nam đã kiến nghị, đề xuất giải pháp trước mắt cần tập trung để tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới đó là: Lựa chọn những sản phẩm, ngành nghề tạo ra bước phát triển nhanh, đột phá, có giá trị tăng lớn… để thu hút đầu tư và sản xuất phục vụ xuất khẩu trên toàn thế giới. Tập trung mọi nguồn lực và cơ chế chính sách hấp dẫn nhất để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn (hoặc doanh nghiệp) công nghệ cao hàng đầu trên thế giới đầu tư tại Thanh Hóa. Có nhiều cơ chế linh hoạt và hấp dẫn cho từng loại nhà đầu tư của các quốc gia khác nhau. Đón các luồng đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, EU vào Việt Nam sẽ xây dựng, làm ăn tại Thanh Hóa.

Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, lập các quy hoạch các đô thị theo luật như quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện theo hướng đổi mới, chi tiết cụ thể hơn. Đặc biệt quan tâm đến phát triển đô thị và kinh tế đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mạnh dạn điều chỉnh tính chất, chức năng của một số đô thị đã duyệt không còn phù hợp và không thu hút được các nhà đầu tư sang cho các đô thị khác thực hiện.

Cảng Nghi Sơn là cửa ra của Thanh Hóa quan hệ với quốc gia và quốc tế, do đó phải báo cáo Chính phủ đưa Cảng Nghi Sơn xếp loại Đặc biệt (hiện nay đang xếp hạng 1). Tiến hành nghiên cứu lập quy hoạch Cảng Nghi Sơn đồng bộ, toàn diện, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của cảng biển quốc tế để tàu có trọng tài từ 10 đến 20 vạn DWT ra vào thuận lợi. Trước mắt cần nạo vét luồng lạch đôi đủ độ sâu, hình thành nhanh chóng dịch vụ logistics đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Lựa chọn Khu công nghiệp Phú Quý quy mô 500 đến 600 ha đất là điểm đột phá của tỉnh (ngoài các khu công nghiệp khác đã có) vì đây là khu vực có vị trí thuận lợi nổi trội hơn các khu công nghiệp khác…

(Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật...)


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết