• :
  • :

Lấy phiếu tín nhiệm - căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ

Lấy phiếu tín nhiệm - căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ

Bởi, đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, được xem là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ… chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của cán bộ. Điều này sẽ tốt cho hoạt động của cả bộ máy tổ chức. Ngoài ra, đánh giá đúng còn giúp khuyến khích cán bộ phấn đấu tiến bộ, có động lực tinh thần to lớn, niềm tin sâu sắc vào tổ chức, từ đó tích cực học tập, rèn luyện, dám đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết nội bộ. Ngược lại, đánh giá sai sẽ dẫn đến các khâu khác của công tác cán bộ thiếu chính xác, gây nên những hệ lụy tiêu cực đối với đơn vị, tập thể; bản thân người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, cống hiến, làm cho tổ chức mất đi những cán bộ tốt.

Nhận thức việc đánh giá cán bộ là hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác đánh giá cán bộ. Nhờ đó, công tác đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới về nội dung và phương pháp, từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

Cụ thể như Quy định 262-QĐ/TW ngày 08 tháng 10 năm 2014 về Việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng trong việc đánh giá và bố trí, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, qua thực tiễn, Quy định 262 bộ lộ những hạn chế, đó là: một bộ phận người đứng đầu cấp uỷ nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của quy định. Một số nơi còn nể nang, dĩ hoà vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao, một số cán bộ lúc đầu đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, thiếu những tiêu chí về định lượng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, dẫn đến những vướng mắc và tính hình thức trong quá trình thực hiện, phản ánh không đúng thực chất.

Trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ có đức, có tài mà còn phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung và không ngừng “tự soi”, “tự sửa” để hoàn thiện bản thân, giữ vững niềm tin của nhân dân, góp phần tạo nên sức mạnh của Ðảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, Nghị quyết 28-NQ/TW, hội nghị TW6 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, ban hành ngày 17/11/2022, chủ trương: “Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều… phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể”[4].

Từ yêu cầu của thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96 -QĐ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2023 về Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nêu rõ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đây là cơ sở quan trọng trong đánh giá cán bộ, thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý, là những bước cụ thể hóa Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Quy định số 96 -QĐ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Bộ chính trị về Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tập trung vào một số tiêu chí cơ bản sau:

Một là, Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú.

Hai là, Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu)

- Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

Để hiện thực hoá Quy định 96 của Bộ Chính trị, cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, mỗi cơ quan, đơn vị cần bám sát các tiêu chí trong Quy định để đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; cần coi trọng công tác đánh giá cán bộ và thường xuyên hơn nữa. Thậm chí là lấy nhận xét từ nơi cán bộ ấy đang sinh sống, xem thái độ của người đó với cộng đồng ra sao, vợ con của người đó như thế nào.

Thứ hai, phải có kiểm điểm đánh giá ưu điểm, hạn chế từ bản thân cán bộ đó trên các mặt công tác một cách trung thực và biện pháp để khắc phục những hạn chế bằng những công việc, sản phẩm cụ thể và có hiệu quả. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ, từ hiệu quả công việc để cân nhắc bố trí công việc cho phù hợp, bổ nhiệm lãnh đạo hay có thể sử dụng tốt hay không. Ngoài ra, các cơ quan cần nâng cao đánh giá định lượng công việc được giao để làm căn cứ thi đua khen thưởng. Tránh tình trạng luân phiên trong thi đua khen thưởng theo kiểu dàn xếp “công bằng”. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ vì bị đánh giá không đúng mà giảm bầu nhiệt huyết công việc, chán nản mà bỏ việc công ra làm việc ở khu vực tư.

Thứ ba, hồ sơ của cán bộ cũng cần được công khai, đến tận tay của người bỏ phiếu đánh giá. Có như vậy thì người bỏ phiếu đánh giá mới có điều kiện để nghiên cứu và có căn cứ để đưa ra nhận xét, bỏ phiếu tín nhiệm.

Thứ tư, mỗi cán bộ phải nhận thức sâu sắc và luôn rèn luyện phẩm chất của người cán bộ đó là Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Phải đưa vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của bản thân, đó là phải vô tư, không vụ lợi cá nhân, đặc biệt là không vì thành tích, vì giữ ghế mà thiếu mạnh dạn, nhiệt huyết, trốn tránh trách nhiệm; đồng thời coi đó tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Tin tưởng rằng, lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một cách trung thực, công tâm, công tác đánh giá cán bộ sẽ đảm bảo được yếu tố khách quan và sẽ tạo được những đột phá trong công tác đánh giá cán bộ.

Ths. Nguyễn Kiều Trang - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.269,240.

3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. Tập 6, tr. 46.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. NXB Chính trị quốc gia, 2021

2. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảngvề tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

3. Quy định số 262-/TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị về : lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

4. Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về : lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết