• :
  • :

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri TP Thanh Hóa theo chuyên đề góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quốc Hương

Gần 7.000 lượt ý kiến trong tỉnh góp ý vào dự thảo luật

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 22-1-2023 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3-1-2023 và kết thúc vào ngày 15-3-2023. Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Nhân dân góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); lấy ý kiến gián tiếp thông qua văn bản đóng góp ý kiến và thư điện tử; thông qua các hội thảo; qua các buổi tiếp xúc cử tri…

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 5-3-2023, đã có 57 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các đơn vị đã tổ chức 5.988 hội nghị và đã nhận được gần 7.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân vào dự thảo luật.

Nhiều góp ý tâm huyết, sát thực tế, trong đó tập trung góp ý nhiều nhất vào Chương III Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất; Chương VII bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chương X đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Chương XI tài chính về đất đai, giá đất…

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Một dự án sử dụng đất tại thành phố Sầm Sơn. Ảnh: Việt Hương

Minh bạch thu hồi đất, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất

Đối với nhóm vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Chương VI, VII) liên quan đến nhiều tổ chức và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm phát sinh nhiều khiếu kiện nên nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Luật sư Vũ Văn Trà, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí, phạm vi thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích cá nhân, thuần túy của chủ đầu tư. Từ đó tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi; cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được áp dụng một cách phù hợp. Làm được điều này thì thị trường đất đai mới thực sự trong sạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và Nhân dân, bảo đảm phát triển kinh tế mà vẫn duy trì sự ổn định và công bằng xã hội. Điều này cũng đúng với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phan Nga

Riêng đối với quy định tại Điều 127, đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định điều kiện để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất là dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 78 dự thảo. Ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị: “Cần sửa đổi Điều 78 theo hướng đưa các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất vào dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, không giới hạn việc sử dụng lại đất là đất ở”.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, khoản 2 Điều 89 của dự thảo đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa các quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Bà Lê Thị Kim Chi, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) cho rằng: “Cần bổ sung quy định theo hướng cụ thể về tiêu chí “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” hoặc giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với từng địa phương”.

Cho ý kiến về vấn đề tái định cư khi thu hồi đất, nhiều ý kiến đề xuất phải tính toán đến việc tạo sinh kế phù hợp với khả năng của người bị thu hồi đất. Nếu chỉ quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (khoản 1 Điều 105) là chưa phù hợp mà cần phải có thêm mức chi phí cụ thể, đủ để học tập, thích ứng chuyển đổi nghề. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng là người lao động lớn tuổi để họ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tạo sự ổn định trong đời sống.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Cử tri tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Việt Hương

Băn khoăn trước quy định “sát với giá thị trường”

Đối với nhóm quy định về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Các ý kiến tập trung đề nghị khi sửa đổi Luật cần làm rõ định nghĩa thế nào là giá đất phù hợp với giá trị thị trường.

Ông Mai Cao Cường, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, nhấn mạnh: “Việc bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản nhằm xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường. Song, định nghĩa “sát với giá thị trường” lại chưa được quy định rõ ràng, căn cứ để xác định giá đất cụ thể gặp nhiều khó khăn”.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Cánh đồng lúa ở huyện Nông Cống. Ảnh: Việt Hương

Đối với quy định về bảng giá đất, Điều 154 của dự thảo luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm) để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng việc ban hành bảng giá đất hàng năm sẽ thiếu tính ổn định, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, hiện cư trú tại TP Thanh Hóa cho rằng: “Cần giữ ổn định bảng giá đất trong một giai đoạn nhất định để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việc thay đổi bảng giá đất hàng năm sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn…”.

Cũng xoay quanh quy định trên, bà Lê Thị Hiền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa, kiến nghị: “Thời gian ban hành bảng giá đất cần nâng lên định kỳ 2 năm một lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên”.

Cụ thể hóa điều kiện giao đất, cho thuê đất

Đối với nhóm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương IX), một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đối với các dự án đầu tư vào khu vực hạn chế sử dụng đất. Đồng thời có cơ chế và chế tài để kiểm soát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp này.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Cử tri thị xã Nghi Sơn trong hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phong Sắc

Bà Đặng Thanh Mai, Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị - Luật, Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng: “Khoản 3 Điều 122 dự thảo quy định điều kiện của người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định điều kiện về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư khi thực hiện dự án, trong khi đó năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư rất quan trọng, là điều kiện quyết định việc thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng.”

Đối với nhóm đất nông nghiệp, so với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo luật sửa đổi đã có nhiều quy định mới tích cực như: Tập trung đất, tích tụ đất nông nghiệp, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương tích tụ đất đai, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quang Lâu, Công chức địa chính phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa) và một số người dân, cần phải thận trọng và thấu đáo khi quy định nội dung này, đưa ra các biện pháp để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách, thu gom đất không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Thi công dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Việt Hương

Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho ý kiến liên quan đến thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (Điều 128). Đa số các ý kiến đều cho rằng giữa cơ chế thỏa thuận và cơ chế bồi thường, nhất định phải có “điểm giao thoa”, nếu không tất cả các dự án liên quan đến thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều sẽ gặp vướng mắc. Trong các trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể nào đi đến thỏa thuận thống nhất đối với một vài hộ dân thì dự thảo luật cần đưa ra một cơ chế để tháo gỡ “nút thắt” này.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: “Khi nhà đầu tư đã thỏa thuận được trên 80% diện tích mà chủ đầu tư được chấp thuận thực hiện dự án, 20% còn lại không thực hiện thỏa thuận được vì những lý do bất khả kháng, lý do khách quan khác nhau, thì cơ quan Nhà nước thực hiện cưỡng chế thu hồi. Giá để bồi thường, thu hồi đất là giá trung bình của 80% diện tích đã được thỏa thuận trước đó (tỷ lệ phần trăm cụ thể cần khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến thực tế từ phía doanh nghiệp). Đây là cách giải quyết vướng mắc, cũng là cơ chế cơ quan Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện dự án.”

Bên cạnh đó, đa số ý kiến của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh tán thành với quan điểm bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất do hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều ý kiến thống nhất với quy định mới về “Kiểm toán về đất đai” (Điều 223). Tuy nhiên, đối với quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225), đa số các ý kiến cho rằng nên giữ nguyên theo quy định hiện hành, không nên giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án Nhân dân, vì như vậy sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, trong khi có nhiều vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND…

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân

Đánh giá chung về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Nội dung dự thảo luật đã được bổ sung chi tiết hơn (tăng cả số chương và số điều so với Luật Đất đai 2013); sửa đổi những nội dung quy định còn bất cập trong thực hiện (về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…). Đồng thời cũng bổ sung những chính sách mới mà luật hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh (bổ sung giải thích nhiều từ ngữ, chế độ đất trên không, sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích…).

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

Cử tri Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Việt Hương

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật; quy định đấu giá, đấu thầu; quy định về điều kiện bảo đảm năng lực của các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu; quy định nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất… chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, chưa bao quát được trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian hoàn thành lấy ý kiến; các ý kiến đóng góp đã tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm của dự thảo luật, phản ánh rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013.

Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, thiết thực

HĐND TP Thanh Hóa tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Tô Dung

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 9-3-2023 với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Công tác lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án luật rất quan trọng này. Những ý kiến đóng góp chất lượng phải được tổng hợp để từ đó làm thay đổi chất lượng của Dự án luật. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật sẽ được lựa chọn để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết