Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử Ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Lê Văn Hưu
Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa không chỉ tự hào là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, “tam vương - nhị chúa”, sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, mà còn là vùng văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Nét đặc sắc của sắc thái văn hóa Thanh Hóa có thể khẳng định đó là truyền thống sử học.
Thời nào xứ Thanh cũng có những người viết sử tài năng, đóng góp quan trọng cho nền Sử học nước nhà được mở đầu từ Lê Văn Hưu - một danh nhân văn hóa, nhà sử học kiệt xuất, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, cũng là người mở đầu cho truyền thống Sử học Thanh Hóa. Bài viết này đã lý giải nhân tố tạo dựng nên truyền thống đó.
LÊ VĂN HƯU (1230 - 1322): Tương truyền từ nhỏ, Lê Văn Hưu đã là một thần đồng thông tuệ chữ nghĩa và có tài đối đáp. Lớn lên, cậu bé Lê Văn Hưu được học với một thầy đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền, Kẻ Bôn (nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn).
Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều chép: Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khoa Đinh Mùi (1247) dưới triều Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên lấy tam khôi: Trạng nguyên Nguyễn Hiền (13 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi) và Thám hoa Trịnh Ma La (14 tuổi), cho thấy khoa bảng nước nhà ngày càng hoàn chỉnh.
Với học vị Bảng nhãn, Lê Văn Hưu là vị tiến sĩ đầu tiên khai khoa cho truyền thống học hành thi cử của người xứ Thanh. Sách An Nam chí lược của Lê Tắc còn cho biết: “Lê Hưu (tức Lê Văn Hưu) vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu Minh Vương, đổi làm Kiểm pháp quan, sửa sách Việt chí”(2). Trải các triều Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Lê Văn Hưu đã được giao nhiều trọng trách trong triều. Năm 24 tuổi giữ chức Hàn lâm viện thị độc, năm 45 tuổi làm Binh bộ Thượng thư, năm 50 tuổi sung chức Hàn lâm viện học sĩ, kiêm Quốc sử viện giám tu. Năm 1272, Lê Văn Hưu vâng sắc hoàn thành bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, chép từ đời Triệu Vũ đế (207 - 136 TCN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225) và dâng lên Trần Thánh Tông năm 1272, được vua xuống chiếu khen ngợi.
Xung quanh giá trị của bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, từ xưa đến nay không ít các nhà Sử học kế tiếp hết lời khen ngợi. Rất tiếc nguyên tác của tác phẩm đã không còn nữa nhưng 30 lời bàn của ông được trân trọng giữ lại trong Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của dân tộc. Tài năng và cống hiến cho sử học của ông xứng đáng như nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng tôn vinh: “Lê Văn Hưu là đại thủ bút đời Trần” và “là nhà chép sử giỏi”.
Giáo sư Phan Huy Lê cũng đã khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của nền Sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí bộ quốc sử đầu tiên”(3).
LÊ HY (1646 - 1702): Ông sinh năm Bính Tuất (1646) ở làng Thượng Phúc, tổng Thanh Khê (nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn). Với tài học nổi tiếng khắp vùng, năm 18 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664), niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 đời vua Lê Huyền Tông. Con đường hoan lộ của Lê Hy có thể nói là hết sức hanh thông, nhất là sau khi Định vương Trịnh Căn lên ngôi Chúa (1682). Chỉ 10 năm, Lê Hy liên tục được giao Tả thị lang bộ Binh, bộ Lễ, bộ Lại và làm Bồi tụng trong phủ Chúa, được ban tước Lai Sơn Bá. Nhà Sử học Ngô Cao Lãng đã viết về ông: “Ông được nhà Chúa tin dùng, làm việc nước hàng 10 năm, không lời nào là không được nhà Chúa nghe theo, từ triều đình đến nơi đồng nội, đều sợ ông là người nghiêm nghị”(4).
Không chỉ là một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, Lê Hy còn là một nhà hoạt động văn hóa, nhất là sử học với những đóng góp quan trọng cho nền sử học dân tộc. Ông đã có công khôi phục thể văn thời Hồng Đức góp phần chấn hưng nền giáo dục dưới triều Lê Hy Tông (1676 - 1705).
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất nước ta dưới thời Lê Trung Hưng được biên soạn qua nhiều đời với nhiều nhà sử học, trong đó đã ghi dấu ấn của Lê Hy.
NGÔ CAO LÃNG: Còn gọi là Lê Cao Lãng, tự là Lệnh Phủ, hiệu là Viên Trai, quê ở làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa). Ông đỗ Hương cống khoa Đinh Mão (1807) tại trường thi Sơn Tây, làm quan đến chức Tri phủ huyện Hoài Đức dưới thời Gia Long, sau được chuyển vào Huế làm việc ở Quốc sử quán. Ông là một nhà nho học rộng, biết nhiều, uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử học.
Các tác phẩm tiêu biểu của Ngô Cao Lãng phải kể tới sách Lịch triều tạp kỷ, Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký ghi chép các khoa thi và người đỗ đạt từ năm 1442 đến năm 1706, gồm 82 khoa và 1323 tiến sĩ. Đây là nguồn sử liệu quý giá về việc học tập và chế độ thi cử của các triều đại phong kiến nước ta. Ngô Cao Lãng còn là tác giả của các sách Bắc Kỳ tạp biên, Quốc triều xử tríVạn tượng sự nghi lục...
NHỮ BÁ SĨ (1788 - 1867): Tự là Nguyên Lập, hiệu là Đạm Trai, quê ở làng Cát Xuyên, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đỗ Hương cống. Tuy học vị không cao nhưng do tài năng và đức độ nên ông được giữ chức Hành tẩu bộ Công rồi Hậu bổ Bắc Thành. Sau đó, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng như: Tri huyện Tiên Lữ (1827), Thự lang trung (1830), Tri huyện Ứng Hòa (1838), Đốc học tỉnh Thanh Hóa (1853)…
Ông không chỉ là một nhà hoạt động chính trị, một nhà giáo cao đạo, còn là người viết văn, viết sử để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, nổi tiếng với sách Thanh Hóa tỉnh chí (2 tập), Việt sử tam bách vịnh, Nghi Am biệt lục...
HÀ DUY PHIÊN (1791 - 1852): Còn có tên là Hà Nguyễn Phiên, tự là Đức Ninh, người làng Hoằng Nghĩa (nay thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa). Cuộc đời làm quan của ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng qua các triều Minh Mệnh (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883). Tiêu biểu là các chức: Thượng thư Bộ Công (1837), Phó chủ khảo kỳ thi Hội, Độc quyển kỳ thi Đình, Thượng thư Bộ Hộ (1838). Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Hộ kiêm coi công việc Bộ Công, Chủ khảo kỳ thi chế khoa (1851)…
Hà Duy Phiên đã có những đóng góp hết sức quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự cho đất nước những năm đầu triều Nguyễn. Ông đã được vua Tự Đức đánh giá: “Là bề tôi tài giỏi kỳ cựu, vốn có khí tiết trung thành hoặc ra chuyên trách một địa phương thì đã từng tỏ ra có công với dân, hoặc giữ hàng giúp việc trong triều thì giúp đỡ chính sự thiết thực” (6).
NGUYỄN THU (1799 - 1855): Còn có tên là Nguyễn Bảo, tự là Tĩnh Quất, hiệu là Cửu Châu Tĩnh Sơn, người làng Phương Khê, nay thuộc xã Nông Trường (Triệu Sơn). Năm 1821, Nguyễn Thu đậu Hương cống, được triều đình bổ làm Tri huyện Thanh Hà. Năm 1840, ông được thăng làm Án sát tỉnh Hải Dương. Năm 1841, dưới triều vua Thiệu Trị được sung làm Biên tu sử quán với chức Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, trong nhóm biên tu bộ Đại Nam thực lục tiền biên. Năm 1848, ông sung chức Phó sứ sang nhà Thanh, khi về được thăng Hộ Bộ thị lang. Nguyễn Thu còn là tác giả của 18 tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ địa chí, lịch sử đến thơ văn, điển lễ thời phong kiến. Riêng trên lĩnh vực Sử học có các sách Quốc sử ký biên (ghi chép về lịch sử Việt Nam), Sử cục loại biên (Sách biên theo từng loại của sử cục), Thiên nam tiệp chú ngoại kỷ sử lược (Sử lược từ đời thượng cổ đến đời Trần). Đặc biệt, cuốn Lê quý kỷ sự đã ghi chép sự việc lịch sử từ cuối đời Lê Trung hưng khoảng các năm từ 1777 đến 1789.
NGUYỄN HOÀN (1713 - 1792): Còn có tên là Nguyễn Hoãn, con trai của Tiến sĩ Nông Quận công Nguyễn Hiệu, quê ở làng Phương Khê - nay là xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn. Khoa thi năm Nhâm Tý (1732), Nguyễn Hoàn đậu Giải nguyên. Năm 1733, ông thi Hội đỗ Tam trường và được bổ nhiệm làm Đại lý tự thừa. Khoa thi Hội năm Quý Hợi (1743) lại đỗ Hội nguyên (Thủ khoa thi Hội), được giữ chức Cấp sự trung bộ Hộ. Năm 1745, ông được chúa Trịnh Doanh bổ chức Hữu tư giảng, phụ trách việc dạy học cho thế tử Trịnh Sâm. Do có nhiều đóng góp với nhà Trịnh, ông được ban tước Hầu (năm 1767), giữ chức Tả thị lang bộ Công. Năm 1775, được ban tước Viện Quận công. Năm 1776, giữ chức Tham tụng, điều hành công việc của lục phiên trong phủ Chúa, kiêm Thượng thư Bộ Lại (tương đương với Tể tướng).
Không chỉ là nhà giáo, nhà chính trị, Nguyễn Hoàn còn là nhà văn hóa, nhà sử học nổi tiếng. Trên lĩnh vực văn học, Nguyễn Hoàn đã soạn sách Cổ lễ nhạc chương thi văn tập, Tiềm long thực lục, Thập châm...
Qua việc phác họa chân dung của một số nhà sử học tiêu biểu đại diện cho những người làm sử xứ Thanh suốt thời phong kiến, có thể nhận ra rằng:
Thanh Hóa là vùng đất sinh ra nhiều vua, chúa, quan lại trong suốt chiều dài của lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Đất của “Tam Vương” và nổi tiếng với hai dòng Chúa: Chúa Trịnh gồm 12 đời và Chúa Nguyễn có 9 đời.Thanh Hóa còn là vùng đất có truyền thống học hành, khoa bảng. Trong suốt ngàn năm độc lập, tự chủ, các nhà sử học xứ Thanh đều là những nhà khoa bảng, có học vấn uyên thâm, am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là sử học. Tất cả đã tạo nên truyền thống độc đáo ấy mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được.