• :
  • :

Lời Bác năm xưa: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”

Lời Bác năm xưa: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3 năm 1961. (Nguồn: bqllang.gov.vn)

Tiến bộ xã hội là “chìa khóa” cho sự bình quyền

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 là ngày của niềm hân hoan và rạng rỡ. Song, ngược về khởi nguồn của nó mới biết, để có một ngày lễ dành cho phụ nữ trên toàn thế giới, có không ít cuộc tranh đấu đã nổ ra để giành quyền sống, quyền lao động, quyền hưởng thụ, quyền lên tiếng… của phụ nữ tại nhiều quốc gia. Vậy nên, Ngày Quốc tế Phụ nữ, về bản chất, đó là ngày đoàn kết phụ nữ để tranh đấu và bảo vệ quyền được sống, được lao động, được thụ hưởng, được yêu thương, được đồng cảm, được bảo vệ… của mọi phụ nữ trên hành tinh này. Đồng thời, cũng là ngày để khẳng định bản lĩnh, tài năng, trí tuệ, giá trị, nhân phẩm… của phụ nữ trên hành trình tranh đấu cho hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội và hơn hết, trước hết, là cho quyền được hưởng hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em gái.

Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày để khẳng định vị thế của người phụ nữ. Nhưng nếu đã là một nửa làm nên thế giới hoàn chỉnh, vậy thì vì sao chỉ có phụ nữ phải đấu tranh cho những quyền cơ bản mà lẽ ra mỗi con người - có thể xác và tâm hồn - đều xứng đáng được hưởng? Vì sao, trải qua hàng ngàn năm, dưới nhiều chế độ xã hội khác nhau, mà cuộc tranh đấu để giải phóng phụ nữ khỏi những “xiềng xích” của hủ tục lạc hậu; của tư tưởng trọng nam khinh nữ; của vấn nạn bạo lực gia đình; của sự bất công trong phân công lao động xã hội, tiền lương, tiền công; của sự “lép vế” trong bộ máy lãnh đạo…. vẫn đang và còn tiếp diễn? Câu trả lời đã có, thậm chí đã được cụ thể hóa bằng luật. Song, để những luật có liên quan đến phụ nữ và các quyền của họ được thực thi trong cuộc sống thì vẫn còn là một câu chuyện dài. Đặc biệt là với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Điều này đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong bài viết “Nam nữ bình quyền”. Người đã dành cả cuộc đời để tranh đấu cho quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân và dân tộc Việt Nam, bởi vậy Bác thấu hiểu hơn ai hết sự “bất lực” của người phụ nữ trước vô vàn trói buộc của định kiến xã hội, định kiến về giới... Cho nên, trong bài viết “Nam nữ bình quyền”, Người đã chỉ ra đây là “một cuộc cách mạng khá to và khó”. Bởi vì “trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Hơn thế nữa, đó còn là cuộc cách mạng “không thể dùng vũ lực mà tranh đấu”; mà “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”. Đồng thời, Người khẳng định, dù to và khó nhưng cuộc cách mạng này nhất định thành công.

Như vậy là, chìa khóa cho sự bình đẳng nam - nữ như Bác đã chỉ rõ, đó là sự tiến bộ toàn diện và sự thay đổi từ trong gốc rễ nhận thức của mỗi người. Đây cũng là sự định hướng để Đảng, Nhà nước ta xây dựng và thực thi các chính sách liên quan đến phụ nữ như bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình…; hoặc gắn với quyền lợi của phụ nữ lao động - việc làm, tiền lương - tiền công… Đồng thời, tháo gỡ các nút thắt, hay tình trạng “bó chân” trong cái vòng luẩn quẩn mang tên “thực thi quyền bình đẳng nam - nữ” hiện nay. Đặc biệt là xác định và khẳng định được vai trò to lớn, quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo…

Phụ nữ Việt Nam xứng đáng là con cháu Hai Bà Trưng!

Như một lẽ tất yếu, rằng một vấn đề luôn có tính 2 mặt. Thực tế, cuộc đấu tranh để giải phóng phụ nữ khỏi mọi sự trói buộc vẫn còn nhiều thách thức. Song cùng với đó, hành trình để tìm lại hay khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, đã có những bước tiến đáng kể.

Với tinh thần ấy, khi “soi” vào vị thế, phẩm giá và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ta không khỏi tự hào khi từ xa xưa trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có vô vàn tấm gương ngời sáng về tài thao lược, trí dũng hơn người, tinh thần quả cảm, dám vượt qua những “hào sâu” về định kiến giới, để không chỉ khẳng định giá trị và tài năng, mà còn làm rạng danh sử sách như Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Còn trong thời đại ngày nay, ta có những tấm gương lớn như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ tướng Nguyễn Thị Định… Đặc biệt, nhắc đến phụ nữ Việt Nam, không thể không nhắc đến câu nói của Bác Hồ, rằng “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang là dũng cảm kháng chiến (… ) Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà Trưng và là lực lượng trong Quốc tế phụ nữ”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”! Câu nói của Bác cũng chính là lời khẳng định nhất quán về vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam, từ xa xưa trong lịch sử cho đến thời đại ngày nay.

Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày dành để tôn vinh vẻ đẹp và phẩm giá của người phụ nữ. Bởi vì, chỉ khi cái đẹp được tôn vinh, hay “tình yêu cái đẹp trở thành phần cốt lõi của một nhân tính khỏe mạnh”, thì khi ấy thế giới này mới được vun đắp bằng tình yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần nhân văn và tính nhân bản - “tất cả trong con người, tất cả vì con người”!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết